Đôi mắt dễ thương của con bạn đang chăm chú nhìn vào bạn mỗi ngày và sẽ học theo những điều gần gũi nhất với mình. Điều đó có nghĩa là việc cha mẹ lấy mình làm gương quan trọng hơn chỉ dạy dỗ bằng lời nói. 

giáo dục trẻ
Cha mẹ lấy mình làm gương là cách giáo dục trẻ tốt nhất. (Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

Một nghiên cứu về trẻ em Úc và trẻ em Bushman ở miền nam châu Phi cho thấy, việc trẻ bắt chước hành vi của cha mẹ chúng là điều phổ biến. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, mối quan hệ giữa cha mẹ tốt hay xấu có liên quan chặt chẽ đến việc các thành viên trong gia đình có thể thiết lập mối quan hệ lành mạnh hay không. 

Tác giả và diễn giả quốc tế Karen Whiting liệt kê một số cách cha mẹ có thể làm gương cho con cái mình: 

Thể hiện lòng tốt

Cha mẹ cư xử với người khác một cách thân thiện và lịch sự, con cái cũng sẽ học theo điều tốt đẹp đó. Tạo bầu không khí thân thiện bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng, giữ cửa mở cho người sau, nhường ghế cho người lớn tuổi, để người khác xếp hàng trước, thân thiện với hàng xóm,…, con trẻ đều đang quan sát và học theo tất cả những hành động tốt đẹp này của bạn. 

Kể cả những việc quen thuộc hàng ngày như ăn cơm cùng nhau cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội tuyệt vời để nói lời cảm ơn và khen ngợi những người thân yêu. Bạn cũng có thể làm gương cho con bằng cách thể hiện sự chu đáo của mình bằng cách hoàn thành những việc mà người khác yêu cầu.

Thể hiện sự kính trọng

Người xưa nói “vợ chồng tương kính như tân”, “cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”... đều là để dạy cách để vợ chồng tôn trọng lẫn nhau. Ngay từ khi kết hôn, hãy tôn trọng nửa kia và cả những người thân của người ấy, trân trọng những nỗ lực và khẳng định những điểm mạnh của họ. Hơn nữa, bạn cũng cần tôn trọng những thứ thuộc về người thân bạn và hỏi kỹ trước khi sử dụng. Chúng ta cũng cần học cách tôn trọng sinh mệnh, tái chế và tái sử dụng các đồ vật khi có thể, đồng thời thể hiện mối quan tâm của bạn đối với trái đất và sự sống. 

Giữ tâm thái vững vàng

Nếu muốn con mình có thể bảo trì tâm thái bình tĩnh và vững vàng, cha mẹ cần phải kiểm soát cơn giận của mình để nó không bộc phát hoặc dẫn đến hành vi phản kháng tiêu cực. Cha mẹ cũng cần giữ bình tĩnh trước khi nói hoặc trả lời vấn đề của trẻ. 

Khi cha mẹ có trách nhiệm về mặt cảm xúc của bản thân thì sẽ tạo ra một không gian an toàn trong nhà để trẻ học cách giải quyết vấn đề, tự do bày tỏ ý kiến ​​và chia sẻ cảm xúc. 

Bạn không cần phải kìm nén khi cảm thấy thất vọng hay tức giận, mà hãy để mọi người thấy cách bạn bình tĩnh trở lại.

Xin lỗi và khen ngợi

khuyết điểm của cha mẹ, giận con, học nói, giả vờ, dạy con biết xấu hổ, cảm ơn và xin lỗi
(Ảnh minh họa: Szefei, Shutterstock)

Nếu bạn nói điều gì đó gây tổn thương hoặc phớt lờ con bạn, hãy chân thành xin lỗi chúng. Lời nói có khả năng mang đến nỗi đau, nhưng cũng có thể đem lại niềm vui cho con người, vì vậy, hãy dùng những lời nói dễ chịu để bày tỏ những cảm xúc tích cực và bày tỏ sự khen ngợi của bạn dành cho những người thân yêu. 

Nói chuyện bình tĩnh

Khi có chuyện xảy ra trong gia đình, hãy nói chuyện một cách điềm tĩnh. Kinh Thánh, Ê-phê-sô 4:29 viết: “Chớ có một lời độc ác nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói, hãy nói những lời tốt đẹp, có tính xây dựng để đem ơn phước đến cho người nghe”.

Đối mặt với mọi lời chỉ trích, hãy thử cố gắng dùng lời khen ngợi để cân bằng nó. Nhưng cần nhớ rằng, đó cần phải là những khen ngợi các thành viên trong gia đình từ tận đáy lòng, mà không phải những lời nịnh nọt. Điều này quả thật khó làm, nhưng khi bạn dành tâm sức cho việc thực hành sự nhẫn nại và bao dung, khi bạn nghĩ đến cảm xúc của người nghe, dần dần bạn sẽ làm được.

Bạn cũng nên khen ngợi những người thân yêu của bạn vì những nỗ lực của họ, mà không phải chỉ vì thành tích của họ. Tiểu thuyết gia người Mỹ Rothfuss đã nói trong cuốn “The Name of the Wind” rằng: “Lời ấm áp có thể nhóm lên ngọn lửa trong trái tim và lấy đi được những giọt nước mắt từ trái tim sắt đá nhất”. 

Tương tác với người khác

Hãy để con bạn thấy cách bạn tương tác với mọi người trong các hoàn cảnh xã hội. Thông qua hành động, hãy để con thấy cách bạn trả lời điện thoại hay khi mở cửa, cách bạn chào hỏi mọi người khi ra ngoài, cách bạn nói chuyện với nhân viên và những người phục vụ, cách bạn lắng nghe và phản ứng với người khác. Khi bạn có thể lịch sự mời khách vào nhà hãy để con bạn học cách chào đón khách, dần dần trẻ sẽ biết cách cư xử và các lễ tiết xã giao cơ bản trong cuộc sống.

Giữ cho nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng

lam viec nha image
(Ảnh: Shutterstock)

Bạn cũng cần để con thấy cách bạn sắp xếp mọi thứ gọn gàng và giữ nhà cửa ngăn nắp. Hãy để trẻ tự dành thời gian để sắp xếp đồ đạc vào đúng vị trí và dọn dẹp sau khi chơi hoặc ăn đồ ăn vặt. Điều này có nghĩa là chúng ta đang quan tâm đến gia đình của mình và là cách giúp chúng ta cân bằng giữa công việc và gia đình. 

Khi chia sẻ công việc nhà và chuẩn bị bữa ăn, mỗi thành viên trong gia đình đều cần tham gia để trau dồi tinh thần hợp tác, tạo cho trẻ cảm giác thân thuộc và niềm tự hào khi được giúp đỡ gia đình, cùng nhau xây dựng gia đình của mình thành tổ ấm hạnh phúc.

Nuôi dưỡng tinh thần ham học hỏi

Cha mẹ hãy là người ham học hỏi, khao khát kiến ​​thức và trở thành người học tập suốt đời để dạy con bạn coi trọng giáo dục. Bất kỳ hoạt động nghiên cứu, khám phá kiến thức nào đều phản ánh quá trình học tập suốt đời, từ giải quyết vấn đề đến phát triển các kỹ năng mới. 

Học tập suốt đời khơi dậy trí tò mò, làm phong phú cuộc sống của chúng ta, cải thiện trí nhớ và giúp chúng ta thích ứng với sự thay đổi. Con cái của bạn sẽ noi gương bạn, giáo dục nhờ đó cũng sẽ trở thành giá trị cốt lõi đối với chúng. 

Trưởng thành về mặt tinh thần

Thảo luận với thành viên trong gia đình về những cuốn sách đang đọc, trao đổi ý kiến, chia sẻ những gì bạn đã học được ở nơi làm việc hoặc hoạt động tình nguyện và những nơi có cơ hội học tập. Việc học tập suốt đời cũng mở rộng đến sự trưởng thành về đức tin. Bạn có thể sắp xếp nội dung tu dưỡng tâm tính trong gia đình và cho trẻ thấy cha mẹ cùng đọc sách để khuyến khích chúng noi gương cha mẹ, theo đuổi đức tin suốt đời và không quên bồi đắp sự trưởng thành về mặt tinh thần. 

Xây dựng tinh thần tự tin và dũng cảm

Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn rằng con cái họ ngại thử những điều mới và ngại tham gia các hoạt động. Tốt hơn hết bạn nên lùi lại một bước và suy nghĩ về cách nuôi dưỡng tinh thần dũng cảm cho trẻ. Đừng ngần ngại thử các hoạt động mới, sẵn sàng phát triển sở thích mới, học một loại nhạc cụ hoặc học ngoại ngữ để có thể chia sẻ kinh nghiệm và cảm xúc của mình với con.

Giúp đỡ mọi người

shutterstock 1968814282
(Ảnh: Daniel Chetroni/ Shutterstock)

Tất cả chúng ta đều có năng khiếu và khả năng của riêng mình, có thể tạo ra niềm vui khi chia sẻ khả năng của mình bằng cách tham gia các hoạt động tình nguyện và giúp đỡ người khác. Mọi thành viên trong gia đình cũng có thể học hỏi lẫn nhau, học cách dành thời gian cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau, sát cánh cùng nhau làm việc để gia đình duy trì những giá trị truyền thống và phát huy khả năng của mỗi người.

Thói quen sống lành mạnh

Một nghiên cứu từ Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (National Heart, Lung, and Blood Institute) của Hoa Kỳ đã tìm thấy mối tương quan trực tiếp giữa mức độ hoạt động thể chất của cha mẹ và mức độ hoạt động của trẻ mẫu giáo. Từ đó, có thể thấy rằng bản thân cha mẹ trước hết cần rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh và một lối sống lành mạnh để làm gương cho con cái của mình. 

Chế độ ăn uống tốt, tập thể dục và các thói quen cải thiện sức khỏe khác có thể mang lại cho trẻ một lối sống lành mạnh. Nếu cha mẹ thường ngồi lâu và chọn những thực phẩm có nhiều đường, chất béo thì con cái cũng sẽ làm theo. Ngược lại, những thói quen lành mạnh của cha mẹ sẽ truyền cảm hứng cho trẻ sống tốt và phát triển những hành vi lành mạnh. 

Trẻ em quan sát và học hỏi hàng ngày. Đặc điểm của trẻ là chú ý đến hành vi của người lớn rồi đưa ra những lựa chọn tương tự. Vì vậy, các bậc cha mẹ, hãy đảm bảo rằng bạn đang làm gương với những hành vi tốt nhất cho những thành viên trong gia đình của mình. Điều này sẽ giúp trẻ có thể dần cải thiện hành vi của chính mình, phát triển những thói quen tốt, hơn nữa sẽ giúp củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.