Chuyên gia dữ liệu Google Ankit Virmani đã phá vỡ một số tiêu chuẩn phổ biến trong việc viết bản CV để đạt được công việc đáng mơ ước.

r shutterstock 256618324
Chuyên gia dữ liệu Google Ankit Virmani đã phá vỡ một số tiêu chuẩn phổ biến trong việc viết bản CV và được nhận công việc tại Google với mức lương hơn 300.000 USD một năm. (Ảnh minh họa: Casper1774 Studio/ Shutterstock)

Trước khi đến với thế giới công nghệ, Ankit Virmani (đến từ Ấn Độ) đã làm công việc tư vấn trong suốt 5 năm. Anh chuyển đến Mỹ học thạc sĩ vì muốn theo đuổi công việc có chiều sâu kỹ thuật hơn. 

“Tôi muốn xây dựng một thứ gì đó hơn là bán chúng”, anh cho biết.

Virmani ngay lập tức học tập và làm việc hết công suất trong nửa đầu năm 2020. Sau khi kết thúc một ngày làm việc toàn thời gian tại Deloitte, anh sẽ dành ba đến bốn tiếng để thực hành viết mã mỗi đêm và thêm hai tiếng nữa để đọc về ngành này. Anh cũng bắt đầu tiếp xúc với những người làm trong lĩnh vực này để tìm hiểu về các tình huống thực tế và những thách thức họ gặp phải trong công việc.

“Tôi muốn nghe về quá trình suy nghĩ của họ. Tôi muốn biết họ đã làm thế nào để vượt qua những thách thức phức tạp này trên quy mô lớn”, anh nói.

Tuy đã chuẩn bị bản thân rất kỹ lưỡng nhưng Virmani vẫn không thể nhận được công việc mơ ước ngay lập tức. Cả Microsoft và Amazon đều từ chối anh ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình tuyển dụng của họ.

Sáu tháng sau khi quyết định chuyển đổi nghề nghiệp, anh đảm nhận vai trò chuyên gia về dữ liệu và máy học tại văn phòng của Google ở Seattle.

Dưới đây là bản CV mà Virmani sử dụng để xin việc tại Google – nơi trả lương cho anh hơn 300.000 USD một năm. Business Insider đã xác minh vị trí công việc và mức lương của Virmani là hoàn toàn chính xác.

Sau bốn năm làm việc tại Google, Virmani cho biết anh sẽ thực hiện một số thay đổi trên bản CV của mình.

“Bản CV này đang trình bày mọi thứ ngang bằng với nhau. Tôi không thích điều đó. Tôi nghĩ một số mục nên được nhấn mạnh hơn các mục khác, ví dụ như bản tóm tắt điều hành ở trên cùng, rồi đến những thành tích đạt được cho đến nay, tiếp đó là kinh nghiệm chuyên môn, trình độ học vấn và kỹ năng kỹ thuật. Tôi sẽ giữ nguyên một số mục và độ dài của bản CV”, anh nói.

1. Không nhất thiết phải viết CV trong một trang 

Hầu hết tất cả mọi người đều cố gắng viết CV trong một trang để đảm bảo sự ngắn gọn, dễ hiểu. Thế nhưng Virmani sẵn sàng viết CV dài hai trang để nhà tuyển dụng có thể đánh giá năng lực của anh tốt hơn. 

“CV của tôi có cấu trúc rất gọn gàng và tôi đề cập đến các chủ đề cấp cao bằng cách sử dụng các tiêu đề phụ như ‘kiến trúc dữ liệu’, ‘chiến lược đám mây’. Người quản lý tại Google sau đó đã nói với tôi rằng cách viết như vậy giúp họ hiểu được năng lực làm việc của tôi tốt hơn. Họ không cần giải mã những dòng bên dưới nữa”, anh cho biết.

Virmani không phải là người duy nhất chọn cách phá bỏ một số “quy định ngầm” trong việc viết CV. Mariana Kobayashi – một account executive tại Google – đã nhận được công việc mơ ước sau khi gửi cho công ty CV dưới dạng video – trong đó giải thích lý do tại sao cô phù hợp với công việc này.

r shutterstock 2266801863
(Ảnh minh họa: theresumeprak/ Shutterstock)

2. Nhấn mạnh nỗ lực của nhóm

Theo Virmani, hầu như các bản CV hiện nay đều chỉ tập trung vào đóng góp của cá nhân người ứng tuyển công việc chứ không nhắc gì đến đội nhóm.

“Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, không bao giờ có chuyện bạn làm mọi thứ một mình. Tinh thần đồng đội là vô cùng quan trọng. Vậy nên tôi đã dành riêng một phần trong CV của mình để nói về thành tích mà đội của tôi đạt được. Google đánh giá rất cao sự trung thực và khiêm tốn. Đó là văn hóa của công ty. Chúng tôi biết rằng không có điều gì vĩ đại mà chỉ được thực hiện bởi một cá nhân”, anh nói.

3. Giữ lại một số chi tiết cho cuộc phỏng vấn

Virmani không giải thích quá nhiều về các dự án anh từng thực hiện để khơi gợi sự tò mò và đảm bảo không khí vui vẻ trong buổi phỏng vấn.

“Nếu bạn đưa hết tất cả mọi thứ vào CV thì bạn sẽ chẳng còn gì để nói trong cuộc phỏng vấn nữa”, anh cho biết.