Một ông già bí ẩn sản xuất hàng ngàn tờ bạc giả xấu tệ nhưng lại lẩn trốn thành công các đặc vụ liên bang Mỹ tới 10 năm.

new york 1936 image
New York năm 1936 (Ảnh: Britt Fuller/Flickr)

Năm 1938, một chủ tiệm thuốc lá ở New York đến ngân hàng gửi vào tài khoản lợi nhuận hàng ngày của mình.

Khi nhân viên kiểm tra các tờ tiền, cô để ý thấy một tờ 1 đôla không bình thường. Nó trông giống như một tờ giấy rẻ tiền, các ký tự thì xiên lệch, còn hình tượng vị tổng thống cao quý đầu tiên của nước Mỹ George Washington trông giống như một xác chết vẽ tay. Không nghi ngờ gì nữa, đây là tờ tiền giả tệ hại nhất mà cô từng thấy trong sự nghiệp của mình.

Tờ tiền được chuyển tới cho Mật vụ Hoa Kỳ. Rất nhanh sau đó, hàng ngàn tờ tiền như thế liên tục đổ đến và đánh đố không thương tiếc các nhà điều tra.

10 năm sau đó, các đặc vụ đã cất công tới lui để truy tìm nguồn gốc, phát động một cuộc điều tra tiền giả dài nhất (và tốn kém nhất) trong lịch sử Hoa Kỳ. Hung thủ chắc hẳn phải là một bậc thầy – kẻ làm tiền giả thành công nhất trong lịch sử hiện đại.

Nhưng không, không có bậc thầy tiền giả nào ở đây: chúng toàn bộ là sản phẩm của một ông già nhặt ve chai 73 tuổi.

Khởi đầu

Hồi những năm 1890, cậu bé 13 tuổi tên Emerich Juettner lên một chuyến tàu ở Áo để đi tìm miền đất hứa cho mình.

Cậu bé dừng chân lại thành phố New York và sớm tìm được một công việc là thợ mạ vàng khung tranh. Nhưng niềm đam mê thực sự của câu là phát minh: trong suốt những năm nhị thập của mình, người thanh niên miệt mài dành hàng đêm trong căn hộ tập thể để phác thảo những bản thiết kế khác nhau – tất cả mọi thứ từ camera kiểu mới (bị Kodak từ chối) tới rèm treo cửa số đặc biệt (cũng chung số phận).

Cuối cùng, Juettner chấp nhận an phận thủ thường. Năm 1918 anh là một người chồng hạnh phúc cùng vợ và hai con, với công việc là thợ bảo dưỡng tại tổ hợp căn hộ Upper West Side. Mấy thập kỷ tiếp theo, cuộc đời anh công nhân cứ thế bình dị trôi qua.

Nhưng khi người vợ của ông già 61 tuổi Juettner qua đời năm 1937, sự cô đơn ập đến, ông đã quá già cho công việc duy tu bảo dưỡng, còn tiền nong tiết kiệm thì chẳng được bao nhiêu.

Con cái từ lâu đã chuyển ra ngoài và sống của sống của riêng mình, đúng lúc ấy, Hoa Kỳ lại đang vật vã trong cơn đại suy thoái với tỷ lệ sản phẩm giảm 30% và thất nghiệp cao kỷ lục. Người đàn ông lục thập vô công rồi nghề ấy không còn cách nào khác, bắt đầu phải đi nhặt ve chai.

Ông mua lấy một chiếc xe đẩy hai bánh đã cũ rồi rong ruổi cả ngày trên các con phố ở New York để nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi rồi bán lại cho một nhà bán buôn.

Nhưng sớm muộn người đàn ông tội nghiệp nhận ra rằng cách này không ổn: ông phải tìm ra cách để kiếm tiền – thật nhanh – nếu không ông sẽ phải ra đường với mớ ve chai của mình.

Kế hoạch

Juettner ngồi ngẫm lại những ngón nghề của mình: hồi còn trẻ, ông đã học được “những kiến thức vỡ lòng” về khắc kim loại. Khi sắm vai nhà thiết kế máy ảnh, ông đã học được một chút kiến thức về nhiếp ảnh. Ông có thể làm được gì với hai thứ đó đây?

Thật tình cờ, đó lại là những kỹ năng cần thiết trong CV của một kẻ làm tiền giả.

Vào lúc đó, sao chép lại hình dạng và mô phỏng lại xúc giác của tờ bạc xanh được xem là một công việc vất vả và khó khăn chỉ dành cho những tổ chức tội phạm lớn với hầu bao dày cộp. Quá trình kỹ thuật cần độ chính xác tinh tế cao cùng các công cụ đặc biệt – và những thứ này “gần như không thể” qua được mắt nhà chức trách.

Nhưng Juetter không vì thế mà chùn bước.

Một buổi sáng tháng 11 năm 1938, ông chụp lại hình của tờ bạc xanh 1 đôla, chuyển hình ảnh sang hai bản mạ kẽm (sử dụng một bồn axít, cùng những dụng cụ khác), rồi tỉ mỉ điền các chi tiết nhỏ hơn của tờ tiền bằng tay.

Trong gian bếp của căn hộ xây bằng gạch nâu, ông bắt đầu dùng chiếc máy in quay tay nhỏ của mình để làm ra những tờ 1 đô la giả mạo đầu tiên.

Truy tìm

Không lâu sau khi Juetter bắt đầu con đường tội phạm của mình, Mật vụ Hoa Kỳ, khi ấy được giao nhiệm vụ xử lý bạc giả, đã nhận được một tờ 1 đôla kỳ lạ từ một tiệm thuốc lá tại New York.

Nó trông không giống với bất kỳ thứ gì họ từng thấy trước đây.

Thứ nhất, không tên làm bạc giả có tự trọng nào lại mất thời gian và tiền bạc để đi làm giả tờ 1 đôla, chúng thường chỉ nhắm đến những tờ có giá trị cao hơn. Thứ hai, những bậc thầy về tiền giả thường có tiêu chuẩn rất cao với những “tác phẩm” của mình, chúng thường cố gắng tạo ra những tờ tiền tinh mỹ và hoàn hảo tới nỗi gần như không thể phân biệt với tiền thật.

>> Phiên tòa xét xử một vụ ăn trộm bánh mì ở New York năm 1935

Nhưng chất lượng của tờ bạc này lại quá tệ tới mức Mật vụ ban đầu còn tưởng rằng thủ phạm đã cố tình chơi xỏ họ.

Nó được in bằng loại giấy in trái phiếu rẻ tiền có thể mua ở bất kỳ tiệm văn phòng phẩm nào. Số seri thì mờ nhạt và không thẳng hàng. Chân dung của tổng thống George Washington thì “được sửa sang vụng về, u ám và giống như xác chết,” cùng cặp mắt toàn màu đen.

Nếu từng ấy vẫn là chưa đủ để phân biệt thật giả, thì tên của vị tống thống còn bị ghi sai thành: “Wahsington.”

Trong tháng đó, 40 tờ 1 đô giống như vậy được gửi tới phòng nghiên cứu tội phạm của Mật vụ từ rất nhiều các tiệm tạp hóa trên khắp thành phố. Tới giữa năm 1938, con số đã tăng lên tới 585 tờ.

Mật vụ Hoa Kỳ đã đặt cho người đàn ông bí ẩn này biệt danh “Quý ông 880,” trùng với số hiệu hồ sơ vụ án của ông.

Với James. J. Maloney, đặc vụ cấp cao của sở Mật vụ Hoa Kỳ, cuộc săn tìm thủ phạm này thực sự là một trải nghiệm “không thể chịu nổi”

Dưới tài thao lược của mình, Maloney đã giúp Mật vụ thu hồi được hàng triệu đôla tiền giả, có khi còn trước cả lúc chúng được đưa vào lưu hành. Động cơ của hầu hết những kẻ làm bạc giả là lòng tham – nhưng Quý ông 880 lại rất khác.

Ông dường như chỉ dùng đủ bạc giả để sống sót qua ngày, không bao giờ tiêu quá 15 tờ một tuần. Ông cũng không bao giờ dùng tiền ở một nơi quá hai lần, những nạn nhân của ông là các ga tàu điện ngầm, cửa hàng tạp hóa và các quán rượu trên khắp nẻo Manhattan.

Những nhà điều tra đã lập ra một bản đồ rồi đánh dấu tất cả những nơi tiền giả xuất hiện với ghim màu đỏ. Họ phát đi 200.000 tờ cảnh báo tới 10.000 tiệm. Họ cũng theo dõi hàng chục người đã từng tiêu tờ tiền ấy.

Nhưng 10 năm thấm thoát qua đi, cuộc săn lùng Quý ông 880 đã trở thành vụ điều tra tiền giả tốn kém và rộng lớn nhất trong lịch sử Mật vụ.

Tới năm 1947, Mật vụ đã thu thập được 7.000 đôla Mỹ tiền giả 1 đô – chiếm khoảng 5% trong số 137.318 đôla Mỹ tiền giả ước tính đang lưu hành trên toàn quốc.

Hóa ra, kẻ làm bạc giả dở tệ nhất lại là người lẩn trốn giỏi nhất. Và phải cần đến một đám cháy (cùng một lũ nhóc 12 tuổi), thì mặt chuột mới lòi ra.

Manh mối

Một buổi chiều mát mẻ tháng 1 năm 1948, 7 cậu học sinh đang chạy chơi quanh khu Upper West Side và phát hiện ra thứ gì đó không bình thường.

Vùi lấp trong tuyết, nằm giữa một chồng lốp xe cũ, lồng chim bỏ đi, và xe đẩy trẻ em han gỉ, là 2 bản khắc kẽm và 30 tờ đôla có hình thù thú vị. Trong khi hầu hết các thu ngân tiệm tạp hóa trong thành phố chấp nhận tờ 1 đôla không chút nghi ngờ, thì lũ trẻ 12 tuổi ngay lập tức nhận ra đó là tiền giả.

Một tuần sau, một phụ huynh của một đứa trẻ bắt quả tang con mình đang chơi pocker với một tờ tiền kỳ lạ và nộp chúng cho cảnh sát, người sau đó trao lại tang chứng cho Mật vụ.

Sau một vài nghiệp vụ điều tra, Mật vụ xác định được các bản khắc kẽm đang nằm trong tay của John Canning, một câu bé 10 tuổi đã đổi lấy chúng sau khi cho đi một cây kiếm Nhật. Bản khắc kẽm, sau đó, được xác định là tác phẩm của Quý ông 880 bí mật.

Họ nhanh chóng đến nơi lũ trẻ tìm thấy bản khắc kẽm và hiểu ra vài tuần trước, có một vụ cháy ở khu căn hộ gần đó; các lính cứu hỏa đã tìm thấy một nơi chứa đầy rác rưởi, và phải ném chúng ra lối đi ngoài cửa sổ để lấy chỗ trống.

Mật vụ hiểu rằng họ sắp biết được tên thật của Quý ông 880.

Bắt giữ

Các mật vụ ùa vào trong căn nhà gạch nâu, khấp khởi vì sắp tóm được một tên lão luyện.

Nhưng chào đón họ là một ông già vui tính cao khoảng 1m6, gương mặt hồng hảo khỏe mạnh, mắt xanh, đầu trọc bóng loáng, ria bạc và móm mém.

Đó là Emerich Jeuttner, ông lão nhặt ve chai.

Juettner tỏ vẻ thân thiện và trông không có vẻ gì bối rối. Khi trả lời các câu hỏi, ông thường ngừng lại và nở một nụ cười không răng. Không chút e ngại, ông lão thừa nhận tội của mình:

Ông đã làm những tờ bạc này bao lâu rồi?”

Ồ, 9 hay 10 năm gì đó – rất lâu rồi.”

Ông thừa nhận đã làm?”

Tất nhiên là tôi thừa nhận. Chúng chỉ là tờ 1 đôla mà thôi. Tôi chưa bao giờ đưa hơn 1 tờ cho ai, vậy nên không ai bị thiệt nhiều hơn 1 đô cả.”

Chẳng có điều gì phải giấu diếm ở ông lão thất thập này.

Khi lục soát căn hộ, đặc vụ tìm thấy một máy in, mực, các phim âm bản, và một ngăn kéo đầy những tờ 1 đôla không đạt tiêu chuẩn của “nhà sản xuất”.

Không lâu sau đó, Edward Muller – biệt danh của Juetner – bị bắt và giải xuống trung tâm thành phố.

Ngày 3/9/1948, vụ án của Juettner được trình lên thẩm phán John W. Clancy tại tòa án quận thành phố New York. Ông phải đối mặt với 3 cáo trạng, mỗi cái đều có thể khiến ông phải ngồi 10 năm tù giam: sở hữu bản khắc kẽm tiền giả, lưu hành tiền giả, và sản xuất tiền giả.

Trong bộ trang phục xám đã sờn và chiếc mũ nhăn nheo, Juettner ngồi lặng lẽ trên ghế nóng, thỉnh thoảng lại cười toe toét với người viết tốc ký của tòa án.

Tuổi cao và sự thành khẩn của ông cụ 73 tuổi đã làm động lòng vị thẩm phán. Juettner nhận được mức án tù thấp lịch sử – 1 năm 1 ngày. Với phán quyết này, ông ấy chỉ còn phải ngồi 4 tháng tù trước khi được thả.

Cùng với đó là 1 án phạt tượng trưng – 1 đôla.

Hậu kết

Không lâu sau phiên xử án, phóng viên St. Clair McKelway của tờ New Yorker đã kể lại câu chuyện của Juetter trong một loạt ba bài viết. Câu chuyện đã thu hút được sự chú ý của quốc tế và cả các nhà làm phim. Bộ phim “Quý ngài 880” sau đó đã giành được giải thưởng của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ năm 1950.

Bộ phim cũng giúp Quý ông 880 thu được số nhiều tiền hơn cả 10 năm làm tiền giả cộng lại.

>> Chuyện người đàn ông 14 lần “cố ý” trúng xổ số

Sau khi ra tù, ông trở lại cuộc sống bình thường và sống nốt những năm cuối đời ở vùng ngoại ô Long Island, và ra đi năm 1955, thọ 79 tuổi.

Trước khi chết, ông đã có dịp trả lời phóng vấn một phóng viên của tờ New York Daily News. Khi được hỏi rằng ông có muốn quay lại cuộc sống của một kẻ làm bạc giả, công việc mà ông đã vụng về cống hiến 10 năm cuộc đời của mình hay không, ông trả lời:

“Không, tôi chẳng kiếm được mấy tiền với công việc ấy.”

Theo The Hustle
Hạ Chi biên dịch