Với sự phát triển của công nghệ, điện thoại di động đã trở thành niềm yêu thích của trẻ em, nhưng nó cũng có thể làm lỡ thời kỳ vàng quan trọng hình thành thói quen đọc sách của trẻ. Vì sao trẻ thích chơi điện thoại di động hơn đọc sách? Làm thế nào để nuôi dưỡng thói quen đọc sách tốt cho trẻ?

kỹ năng đọc
Giai đoạn đọc sách trước khi trẻ 6 tuổi được gọi là “giai đoạn vàng” đọc sách của trẻ. (Ảnh: yamasan0708/ Shutterstock)

Hai giai đoạn quan trọng cho việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ

Nếu con bạn không thích đọc sách, hãy tìm xem nguyên nhân là gì. Nếu con chưa quá 14 tuổi thì rất có thể cha mẹ đã bỏ lỡ 2 giai đoạn nhạy cảm của việc đọc sách.

Dấu hiệu của giai đoạn nhạy cảm với việc đọc của trẻ bao gồm:

1. Đứa trẻ sẵn sàng đọc bất kỳ cuốn sách nào, dù có hiểu hay không đều sẽ đọc một cách nghiêm túc. Nếu đứa trẻ có thể hiểu được thì sẽ đọc đi đọc lại.

2. Ở đâu có sách, chẳng hạn như hiệu sách hay thư viện, đứa trẻ sẽ đọc một cách nhiệt tình. Một lúc mở cuốn sách này, một lúc lại mở cuốn sách kia.

3. Thích nghe người khác kể chuyện cho mình nghe, còn thường bịa ra một số câu chuyện để kể cho người lớn, những câu chuyện bịa ra đều rất giàu trí tưởng tượng.

4. Có thể tìm thấy một số từ trong sách để đọc, dù phần lớn không hiểu được nhưng sẽ tự động nghĩ ra những từ đồng âm để cho vào.

Giai đoạn nhạy cảm với việc đọc thường đến khi trẻ được 4 tuổi rưỡi đến 5 tuổi rưỡi, một số trẻ có trí thông minh tốt hơn thường sẽ đến sớm hơn. Nhưng trong mọi trường hợp, chỉ cần trẻ có trí lực bình thường thì giai đoạn nhạy cảm với việc đọc nói chung sẽ không quá 6 tuổi. Sau 6 tuổi, việc đọc của trẻ sẽ khó hình thành thói quen hơn so với trước 6 tuổi. Vì vậy, giai đoạn đọc sách trước khi trẻ 6 tuổi được gọi là “giai đoạn vàng” đọc sách của trẻ.

Nếu trẻ bỏ lỡ mất giai đoạn dưỡng thành thói quen đọc sách trước 6 tuổi, cha mẹ cũng đừng lo, sẽ có cơ hội khác để bù đắp trước khi trẻ được 14 tuổi. Đây được gọi là “giai đoạn bạc” trong quá trình đọc sách của trẻ. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này một lần nữa, khả năng tự đọc của trẻ sẽ yếu đi.

Làm thế nào để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho trẻ?

1. Gia đình cần có không khí đọc sách

Người lớn và cha mẹ ở nhà chính là tấm gương tốt nhất cho con noi theo. Hãy đọc trước mặt con bạn mỗi ngày, dưới sự tác động của người lớn, trẻ em đương nhiên sẽ sẵn sàng tiếp nhận sách hơn. Vì vậy, tốt nhất nên tạo không khí, điều kiện cho việc đọc sách ở nhà, chẳng hạn để trẻ có một góc đọc sách mà không bị quấy rầy, có những cuốn sách phù hợp cho trẻ đọc, như vậy sẽ giúp trẻ dưỡng thành đam mê đọc sách.

2. Lựa chọn loại sách phù hợp với trẻ ở các độ tuổi khác nhau

Khi trẻ từ 9 tháng – 1 tuổi, nên cho trẻ đọc những sách có giấy cứng với màu sắc tươi sáng và hình vẽ lớn, như vậy sẽ kích thích sự phát triển trí não của trẻ. Cha mẹ có thể vừa cho trẻ nhìn hình vẽ, vừa cho trẻ đọc, vừa yêu cầu trẻ gọi tên sự vật hiện tượng, thông qua cách thức như vậy đặt nền tảng cho trẻ nói chuyện.

Khi trẻ từ 1 – 2 tuổi, cha mẹ nên dùng những sách có hình vẽ khổ lớn, ưu tiên những sách có nội dung liên quan đến cuộc sống hằng ngày, ví như đồ dùng nhà bếp, đồ điện, đồ gia dụng, thú cưng, đồ chơi,…Điều này sẽ có lợi hơn cho việc đọc và tiếp cận của trẻ.

Khi trẻ từ 2 – 3 tuổi, lúc này cha mẹ nên đọc một số câu chuyện ngắn thú vị cho trẻ nghe và cố gắng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói mà trẻ có thể hiểu được thay vì bằng ngôn ngữ viết.

Khi trẻ được 5 tuổi, cha mẹ nên khuyên trẻ đọc truyện tranh có cốt truyện, tình tiết và hình vẽ không chỉ thu hút sự chú ý của trẻ mà còn tạo điều kiện cho trẻ tiếp tục đọc.

Khi trẻ từ 5 – 6 tuổi, thường thích những câu chuyện khoa học dành cho trẻ em hơn, những cuốn sách thiếu nhi loại này rất hữu ích cho tư duy của trẻ và còn có thể phát huy khả năng sử dụng tay và trí não của trẻ.

Khi trẻ gặp khó khăn và hỏi người lớn nhiều câu hỏi khác nhau trong quá trình đọc sách, cha mẹ cùng đừng nóng nảy, ngược lại, hãy tận tình hướng dẫn, hợp tác với trẻ, nếu không sẽ gây ra nhiều lực cản và khiến trẻ từ bỏ việc đọc.

Khi trẻ từ 6 – 7 tuổi, truyện cổ tích huyễn tưởng thường có thể đáp ứng nhu cầu trí tưởng tượng của trẻ, hơn nữa,  trẻ còn có thể cảm nhận được niềm vui và sự thư giãn, giúp trẻ chìm đắm vào “đại dương sách”.

Khi trẻ từ 8 – 10 tuổi, trẻ có thể được tiếp xúc với một số câu chuyện lịch sử một cách phù hợp và cũng đã đạt đến giai đoạn trẻ có thể đọc trôi chảy.

Khi trẻ được 12 tuổi, hãy để con phát triển thói quen đọc sách độc lập, trừ khi đó là sách không lành mạnh, cha mẹ không nên hạn chế thể loại đọc sách cho con, chỉ cần trẻ thích đọc, người lớn chúng ta có thể buông tay để trẻ tự lựa chọn. Việc mở rộng phạm vi đọc sách sẽ có lợi, điều này sẽ giúp trẻ phát triển nhiều sở thích đa dạng, xây dựng kiến ​​thức toàn diện hơn.

Vậy nguyên tắc chung để cho trẻ em ở mọi lứa tuổi đọc sách là gì?

Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là chỉ cần con bạn thích đọc sách và nội dung không gây hại cho thể chất hay tinh thần thì đừng cấm cản. Hơn nữa, khi cha mẹ giới thiệu nhiều cuốn sách khác nhau cho trẻ, tốt nhất nên hướng dẫn và gợi ý, đừng ép buộc hay yêu cầu trẻ, nếu không sẽ làm mất đi sự hứng thú và đam mê đọc sách của trẻ. 

3. Cho trẻ tập kể chuyện giúp phát triển trí tuệ của trẻ

Kể chuyện thực sự giúp rèn luyện trí nhớ, khả năng tư duy logic, khả năng diễn đạt và khả năng biểu diễn của trẻ. Nói chung, những đứa trẻ dưỡng thành thói quen kể chuyện một cách thường xuyên sẽ có khả năng diễn đạt ngôn ngữ tốt hơn. Tất nhiên, nếu trẻ không muốn làm điều này thì cha mẹ cũng dừng nên ép, nếu không sẽ cản trở động lực đọc sách của trẻ.

Cha mẹ hãy biến mình thành những người khán giả đang lắng nghe câu chuyện một cách chăm chú, điều này sẽ giúp đứa trẻ có được cảm giác thành tựu, xây dựng sự tự tin, nhờ đó trẻ sẽ càng hứng thú với việc kể chuyện hơn.

Đọc sách còn có thể giúp trẻ hình thành những thói quen tốt. Khi đọc và nghe truyện, trẻ thường thích đặt mình trở thành nhân vật chính trong câu chuyện. Từ đó, những phẩm chất và khí chất mà nhân vật chính trong truyện thể hiện sẽ thấm sâu vào đứa trẻ một cách tự nhiên. Như vậy, những lời nói và việc làm của trẻ sẽ trở nên giống nhân vật chính, ngày càng tích cực hơn, đồng thời những cử chỉ và thói quen không tốt của trẻ cũng sẽ dần dần được chỉnh sửa.