Nhiều người tin rằng tình yêu trong hôn nhân được thể hiện qua những hành động lớn lao như mua cho vợ viên kim cương to bằng quả trứng (dù là phải thế chấp tài sản tới lần thứ hai) hoặc “xây” cho nàng một ngôi đền Taj Mahal bằng Lego trong sân nhà.

hon nhan tay nam tay image
(Ảnh: Jasmine/Pexels)

Tuy nhiên, một mối quan hệ hạnh phúc thật sự lại được xây dựng bởi hàng tá những điều nhỏ nhặt hàng ngày thể hiện sự quan tâm của mình dành cho đối phương. Đôi khi chỉ là những cử chỉ tầm thường như một lời đáp, một nụ cười, một cái gật đầu.

Đó là những gì mà hai nhà nghiên cứu về hôn nhân John Gottman và Janice Driver gọi là “lời mời tương tác”. Bao gồm rất nhiều những nỗ lực nhỏ để gây chú ý, để có được sự yêu thương hoặc chia sẻ cảm xúc từ đối phương.

Có thể chỉ là những câu hỏi như “khi nào thì các con tập đá banh xong” hay kéo tay bạn và nói “nhìn mấy cái nón quái gở mấy gã kia đang đội kìa”. Hầu hết các hành động này nghe chẳng có gì là lãng mạn cả.

Và có lẽ bạn sẽ phản ứng theo một trong ba cách sau: phớt lờ (“quay đi”), hơi khó chịu (“phản kháng”), hoặc đáp lại một cách tình cảm (“tương tác”).

Tương tác ở đây không có nghĩa là đáp lại bằng những lời nói hoa mỹ văn vẻ. Mà chỉ là những cử chỉ đơn giản thể hiện sự quan tâm bạn dành cho đối phương, ví dụ như một nụ cười, một cái gật đầu hoặc một cái ôm khi họ không vui. Những hành động này tuy nhỏ bé nhưng khiến họ cảm nhận được họ là người quan trọng đối với bạn.

Trong nghiên cứu của Gottman và Driver, họ quan sát sự tương tác của các cặp đôi mới cưới cũng như 5-6 năm sau ngày cưới. Cặp mới cưới nào có tỷ lệ “tương tác” trung bình 86% vẫn duy trì được quan hệ hôn nhân tới năm thứ 6. Còn những cặp ly hôn sau vài năm thì tỷ lệ này chỉ đạt 33%.

>> Vì sao nhiều người luôn cảm thấy mình sống một đời đau khổ?

Phát hiện của họ gợi cho chúng ta nhớ đến câu nói của nhà tâm lý học Erich Fromm “tình yêu là một hành động” (chứ không phải cảm xúc). Yêu là một động từ. Nhân tiện, đây cũng là một tin rất tốt vì điều đó nghĩa là bạn có quyền kiểm soát mức độ tình cảm trong mối quan hệ của mình.

Nếu mối quan hệ của bạn có dấu hiệu thiếu vắng tình thương, sự quan tâm, niềm vui, hãy trao đổi với đối phương để tái lập mối dây liên kết. Hai người sẽ cùng cố gắng thực hiện trong vòng một tuần: bất kể hai người làm gì, bất kể mệt mỏi thế nào sau một ngày dài, hai bạn vẫn sẽ thêm chút yêu thương vào hành động “tương tác” của mình khi đối phương cần đến. Sau một tuần hãy cùng nhìn lại xem các bạn cảm thấy thế nào. Hãy cân nhắc liệu đó có phải là thói quen bạn muốn có hay không.

Khi làm được vậy, cho dù là hai người cùng dọn dẹp nhà để xe hoặc đứng xếp hàng ở tiệm thuốc hay bưu điện, tất cả đều là cơ hội để thể hiện tình cảm dành cho nhau. Vì thế, đối với những cặp đôi này, ngày lễ tình nhân hạnh phúc nhất chỉ là một ngày ngớ ngẩn được thương mại hóa chứ không phải hy vọng cuối cùng để chữa lành cho tình yêu.

Chúng ta không nên xem những ngày lễ như ngày tình nhân, sinh nhật hay ngày kỷ niệm là dịp để bù đắp cho sự thờ ơ của mình với đối phương trong suốt cả một năm dài. Bạn có thể bày ra nhiều trò lãng mạn trong ngày hôm đó, nhưng sẽ chỉ giống như “học để ôn thi” trong tình cảm – khiến cho sự việc trông cực kỳ thái quá và lạ lùng.

Theo như Gootman và Driver đã chứng minh trong nghiên cứu về “nhu cầu tương tác”, thì tình yêu không phải là “Em bên anh trong căn biệt thự trên một hòn đảo” mà là “Em được bên anh, cả ngày, hàng ngày” với vô số hành động nhỏ bé biểu hiện tình cảm nhưng lại rất quan trọng.

Tác giả: Amy Alkon/Psychology Today
Thúy Anh biên dịch