Một thói quen tự hủy hoại bản thân được gọi là “doomscrolling” (nghiện xem tin tức tiêu cực), đã trở thành một vấn đề phổ biến trên các mạng xã hội hiện nay.

nghiện xem tin tức tiêu cực
Nhiều người trong chúng ta đã rơi vào bẫy của doomscrolling – một thói quen gây nghiện khi xem những tin tức tiêu cực. (Ảnh: Andrea Piacquadio/ Pexels)

Mỗi ngày chúng ta đều mất rất nhiều thời gian đọc hàng tấn nội dung trực tuyến trong khi lướt Facebook hay các nền tảng khác… Càng dành nhiều thời gian trên mạng, bạn càng có nhiều khả năng đọc phải những tin tức tồi tệ hoặc các bài đăng khiến bạn cảm thấy sợ hãi, chán nản hoặc tuyệt vọng.

Đây là một vấn đề khá phổ biến trên mạng xã hội, và nó dẫn đến một thói quen tự hủy hoại bản thân được gọi là “doomscrolling”, tạm hiểu là nghiện xem tin tức xấu.

Doomscrolling là gì?

“Doomscrolling” là một thuật ngữ được đặt ra để mô tả việc thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính để đọc những tin tức tiêu cực trên mạng xã hội hay các trang báo trực tuyến. Có người cho rằng thuật ngữ này xuất hiện lần đầu vào năm 2020 khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhưng thực ra nó đã được nhắc tới vào năm 2018 trên Twitter – nơi tràn ngập các tin tức tiêu cực và các bộ phim cực đoan.

Tại sao chúng ta lại nghiện xem tin tức tiêu cực?

Theo chuyên gia tâm lý Tess Brigham, tình trạng nghiện tin xấu xảy ra khi một người bị cuốn hút vào việc đọc các tin tức tiêu cực hơn là lành mạnh.

“Nghiện tin xấu xảy ra khi bạn nhận ra rằng mình đã quá mải mê với một câu chuyện mà không biết làm thế nào lại đọc được nó. Bạn thậm chí không thể nhớ rằng mình đã cầm điện thoại từ lúc nào, nhưng hiện tại bạn đang đọc hàng trăm bình luận hoặc retweet của một tài khoản mà bạn thậm chí không theo dõi,” cô Brigham nói.

Có nhiều người dành quá nhiều thời gian để xem các tin tức trực tuyến. Điều này trở nên gây nghiện khiến họ bê trễ các công việc thường ngày. Lý do tại sao điều này xảy ra?

Cô Brigham cho rằng: “Mọi người lướt điện thoại vì nhiều lý do khác nhau. Lý do chính là để cảm thấy có thể kiểm soát được mọi việc trong một thế giới dường như mất kiểm soát.” 

Cô cũng lưu ý rằng nhiều người chọn xem tin xấu để sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất và để họ không mất cảnh giác: “Chúng ta rất nỗ lực để tồn tại và cảnh giác trước những thứ có thể gây hại cho chúng ta. Đó là bản năng của con người để tồn tại theo đúng nghĩa đen. Mặc dù thế giới đã rất khác nhưng chúng ta vẫn có động lực này để giữ an toàn cho bản thân, điều mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang làm bằng cách đọc những câu chuyện tiêu cực.”

Thật không may, các phương tiện truyền thông thường lợi dụng tính gây nghiện của những tin xấu và thường sử dụng những tiêu đề gây sốc để thu hút nhiều độc giả hơn. Tệ hơn nữa, việc xem quá nhiều các tin tức tiêu cực cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.

cô đơn
Doomscrolling có thể làm tăng rất nhiều lo lắng và căng thẳng, gây ra chứng hoang tưởng và mất ngủ. (Ảnh Pexels)

Những cạm bẫy của việc nghiện xem tin tức tiêu cực

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi tạp chí Health Communication với 1100 người nghiện xem tin tức xấu thì chỉ có 28,7% đạt điểm thấp trong các chủ đề được đưa ra. Còn phần lớn đều đạt điểm cao ở một số chủ đề, với kết quả là: 27,5% bị ảnh hưởng ít – nghĩa là thói quen có vấn đề nhưng vẫn trong tầm kiểm soát được, 27,3% có vấn đề ở mức độ vừa phải và 16,5% có dấu hiệu lo lắng và căng thẳng nghiêm trọng. 

“Những người này bị mắc kẹt trong một vòng tròn luẩn quẩn, trong đó thay vì điều chỉnh thì họ lại bị cuốn vào sâu hơn, bị ám ảnh về tin tức và thường phải liên tục cập nhập để làm dịu bớt cảm xúc của họ,” ông Bryan McLaughlin, Phó giáo sư tại Texas Tech Trường đại học và tác giả chính của nghiên cứu cho biết, “nhưng điều đó không giúp ích gì. Họ càng kiểm tra tin tức thì càng bị nó khống chế trong các khía cạnh cuộc sống.”

Theo cô Brigham: “Điều đó có hại cho sức khỏe tinh thần của bạn bởi vì các tin tức tiêu cực không có lợi ích gì mà chỉ khiến bạn thêm lo lắng và hoang tưởng về thế giới xung quanh mình”. 

Mặc dù bạn có thể không nhận thức được rằng bạn đang hấp thụ tất cả các năng lượng tiêu cực đó, nhưng nó đã ăn vào tiềm thức của bạn. Sự lo lắng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, còn viễn cảnh ngày tận thế ám ảnh bạn cả trong mơ.  

shutterstock 2120167778
Chia sẻ thời gian và suy nghĩ với những người bạn yêu thương và tin tưởng có thể giảm thiểu ảnh hưởng của tin tức tiêu cực và trò hù dọa. (Ảnh: Shutterstock)

Cách kiểm soát chứng nghiện xem tin tức tiêu cực

Tuy nhiên, chỉ cần bạn nhận ra vấn đề và mong muốn vượt qua nó thì bạn có thể đưa cuộc sống mình trở lại với thực tế tích cực. Hãy đánh lạc hướng bản thân khỏi việc xem tin tức bằng cách thử tập trung sự chú ý vào những hoạt động ngoại tuyến mà bạn yêu thích. Cho dù đó là một hoạt động công việc hay giải trí thì cũng sẽ giúp đầu óc bạn minh mẫn và tươi sáng hơn. Lao động thể chất hoặc tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong khi đọc văn học cổ điển có thể trau dồi thêm những suy nghĩ lành mạnh và cao thượng.

Với những người phải thường xuyên phải làm việc trên Internet, hãy giới hạn thời gian xem tin tức của mình và đặc biệt chú ý tránh nội dung tiêu cực.

Việc tương tác với gia đình, bạn bè và thậm chí là người chưa quen biết mang lại những trải nghiệm thực tế và giá trị hơn nhiều so với bất kỳ nội dung trực tuyến nào. Nếu bạn gặp rắc rối với tin tức, hãy chia sẻ với người mà bạn tin tưởng. Một cuộc thảo luận lành mạnh có thể giúp bạn phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn các tin tức tiêu cực mà bạn đang bị cuốn vào.

Nghiện xem tin tức xấu có thể trở thành một vòng xoáy đáng sợ, nhưng với mong muốn và sự quyết tâm thoát khỏi nó, chúng ta có thể xóa tan lớp sương mù ảm đạm đang quẩn quanh trong trí óc và cho phép những suy nghĩ tích cực hơn hướng dẫn và định hình cuộc sống của chúng ta. Hãy biết ơn những điều thúc đẩy bạn tiến lên và chống lại những điều kéo bạn xuống. Nếu thế giới có vẻ tồi tệ và không thể thay đổi, hãy tìm kiếm tất cả những điều tốt đẹp và tích cực trong cuộc sống và đón nhận chúng.