Trong cuộc sống, không chịu thiệt là người thông minh, chịu thiệt lại là bậc trí giả. Người thông minh trên đời không nhiều, bậc trí huệ lại càng hiếm gặp.

thông minh
Thông minh là khả năng tồn tại, trí huệ là trạng thái sinh tồn. (Ảnh: iBird/ Shutterstock)

Ngay cả Socrates, một nhà thông thái vĩ đại được mọi người kính ngưỡng, cũng coi mình là kẻ ngốc nghếch. Thông minh là khả năng tồn tại, trí huệ là trạng thái sinh tồn.

Người thông minh luôn có thể bảo toàn lợi ích của mình khi giao dịch với người khác. Ví dụ, trong kinh doanh, họ có nhiều lời lãi. Trong khi người trí huệ không bao giờ theo đuổi lợi nhuận tối đa trong kinh doanh, thậm chí còn thua lỗ. Người thông minh biết những gì họ có thể làm, bậc trí giả biết những gì họ không được làm.

Kẻ khôn ngoan có thể nắm bắt thời cơ, và biết khi nào nên hành động; bậc trí giả lại biết khi nào cần buông tay, cầm lên được là thông minh, buông xuống được mới là trí huệ.

Người thông minh luôn thể hiện khía cạnh tỏa sáng của họ, luôn nổi bật giữa đám đông. Bậc trí giả lại để người khác tỏa sáng.

Ví dụ trong một bữa tiệc, người thông minh luôn ba hoa thể hiện bản thân, giống như một ấm trà. Trong khi những người trí huệ lại chăm chú lắng nghe, tựa như một tách trà. Nước trong ấm trà cuối cùng sẽ được rót đầy tách trà.

Người thông minh chú trọng tiểu tiết, bậc trí giả coi trọng tổng thể.

Người thông minh thường nhiều phiền muộn hơn, mất ngủ cũng nhiều hơn, bởi họ nhạy cảm hơn những người bình thường khác. Bậc trí giả có thể tránh xa phiền não, đạt đến cảnh giới siêu nhiên, không vui vì vật, không buồn về mình, nên có thể tự tại an nhiên, ăn no bụng, ngủ tròn giấc.

Người thông minh luôn muốn thay đổi người khác, muốn họ tuân theo ý mình. Bậc trí giả lại thường thuận theo tự nhiên. Do đó, mối quan hệ giữa những người thông minh thường dễ bị căng thẳng, trong khi mối quan hệ giữa bậc trí giả lại hài hòa hơn.

Sự thông minh chủ yếu bắt nguồn từ bẩm sinh và được di truyền, trong khi trí huệ phụ thuộc nhiều hơn vào sự tu dưỡng.

Thông minh giúp thu lượm được nhiều kiến ​​thức hơn, trí huệ lại khiến con người có văn hóa hơn. Càng có nhiều kiến ​​thức càng thông minh, càng có nhiều văn hóa, càng giàu trí huệ.

Thông minh dựa vào tai nghe mắt nhìn, trí huệ lại sinh ra từ tâm linh. Khoa học khiến con người trở nên thông minh hơn, nhưng triết học lại dạy cho con người trí huệ.

Sự thông minh mang lại giàu có và quyền lực, trí huệ mang lại hạnh phúc. Những người thông minh có xu hướng có nhiều kỹ năng hơn. Miễn là gặp thời, những kỹ năng này sẽ có thể biến thành của cải và quyền lực.

Nhưng của cải và quyền lực không phải khi nào cũng tỷ lệ thuận với hạnh phúc. Hạnh phúc xuất phát từ trái tim. Vậy nên, cầu tài chỉ cần thông minh là đủ; muốn thoát khỏi phiền não, không có trí huệ thì chẳng thành.

Trịnh Bản Kiều, một trong Tám nhân vật kiệt xuất tại Dương Châu thời nhà Thanh, nói rằng: “Thông minh đã khó, hồ đồ còn khó hơn.” Trên thực tế, “hồ đồ” mà ông nói chính là sự tu dưỡng của trí huệ, “đại trí nhược ngu”, bậc trí trông như kẻ ngốc nghếch.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập