Hàng thiên niên kỷ qua, các bậc hiền triết và thánh nhân luôn tìm cách truyền dạy cho con người những giáo lý về đạo đức làm người. Những lời dạy của họ được lưu giữ và truyền qua các thế hệ dưới các hình thức khác nhau, trong đó có kể chuyện.

truyện dân gian
Người ta tin rằng hổ và sư tử không hợp nhau. Tuy nhiên, những con vật trong câu chuyện dưới đây đã trở thành bạn của nhau khi chúng còn quá nhỏ để nhận ra sự khác biệt. (Ảnh minh họa: Eleanor Esterhuizen/ Shutterstock)

Kể chuyện là một phương pháp hiệu quả và hấp dẫn nhất để dạy trẻ em những bài học đạo đức và cách hành xử đúng đắn. Điều này đặc biệt đúng ở Ấn Độ, nơi có những câu chuyện được bảo tồn qua hàng nghìn năm để truyền lại cho thế hệ trẻ các giá trị đạo đức. 

Câu chuyện ngụ ngôn đầu tiên được lấy từ tuyển tập nổi tiếng Jataka Tales – tuyển tập những câu chuyện về Phật Thích Ca Mâu Ni trong các kiếp trước của Ngài:

Câu chuyện Gió và Mặt trăng

Ngày xửa ngày xưa, có một đôi bạn gắn bó keo sơn là hổ con và sư tử con. Đôi bạn cùng chung sống vui vẻ dưới chân một ngọn núi. Bầu không khí ở đây rất thanh bình và tĩnh lặng, không chỉ vì sự hài hòa vốn có của tự nhiên, mà còn vì sự hiện diện của một nhà sư sống ẩn dật gần đó.

Một hôm, hai người bạn cãi nhau. Hổ con khẳng định rằng gió lạnh đến khi mặt trăng chuyển từ trăng tròn sang trăng non, trong khi sư tử con, khư khư vào quan điểm của mình, cho rằng gió lạnh xuất hiện khi mặt trăng chuyển từ trăng non sang trăng tròn.

Còn trẻ và bốc đồng, hai người bạn bắt đầu xúc phạm nhau mà không nghĩ gì đến những hậu quả lâu dài mà những lời nói thiếu suy nghĩ có thể gây ra. Dường như tình bạn lâu bền của chúng có thể tan vỡ ngay lập tức.

Để giải quyết mâu thuẫn, hai người bạn quyết định hỏi ý kiến ​​của nhà sư thông thái. Sau khi cúi đầu hành lễ trước nhà sư, chúng kể lại vấn đề và hỏi nhà sư xem ai đúng? Trước sự ngạc nhiên của chúng, nhà sư nói rằng cả hai đều đúng.

“Trời có thể trở lạnh vào bất kỳ giai đoạn nào của mặt trăng, vì vậy cả hai ngươi đều đúng. Điều không đúng là hai ngươi đã mạo hiểm tình bạn của mình vì cái tôi và thể diện của mình. Để ta nhắc hai ngươi rằng ‘đúng’ không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là các ngươi có thể tôn trọng lẫn nhau và nhận ra những thiếu sót của bản thân.”

Sau đó, nhà sư đưa ra một lời khuyên khác: “Khi có mâu thuẫn, không nên nghĩ đến sự chia ly mà hãy nghĩ đến giải pháp. Các ngươi cần đoàn kết vì đoàn kết làm cho cả hai mạnh mẽ hơn.”

Hai người bạn hiểu lời nhà sư và xin lỗi nhau. Chúng trở về nhà sau khi hứa sẽ gạt bỏ cái tôi của mình và trau dồi tính khiêm nhường.

Câu chuyện người thợ dệt thảm được Thần Núi ban cho điều ước

truyện dân gian
Người thợ dệt thảm chăm chỉ và tỉ mỉ, sản phẩm ra rất đẹp nhưng cả năm mới dệt xong được một tấm, vì thế mà nhà rất nghèo. (Ảnh: neelstudio/ Shutterstock)

Tại Ấn Độ xưa, có một người thợ dệt thảm chăm chỉ và tỉ mỉ, sản phẩm ra rất đẹp nhưng cả năm mới dệt xong được một tấm, vì thế mà nhà rất nghèo.

Một hôm, khung cửi bỗng bị gãy, người thợ dệt bèn vác rìu đi tìm một cây gỗ thật chắc để chữa lại. Anh đi khắp nơi, mãi mới tìm được một cây gỗ vừa ý. Cây dương liễu vàng, cao to, cành lá sum suê, gỗ chắc chắn. Anh mừng quá, toan chặt thì nghe thấy tiếng nói:

– Ta là thần Núi, đây là nhà của ta, ngươi không được chặt!

Người thợ dệt thảm nghĩ đến việc khó mà tim được cây gỗ tốt thế này nên đã năn nỉ:

– Nếu không có gỗ tốt thì không thể chữa được cái khung cửi, cả nhà tôi sẽ chết đói mất. Hay là Ngài dọn nhà đi chỗ khác rồi để cho tôi cái cây này?

Thần Núi trả lời:

– Không được! Vậy đi, ngươi cần gì cứ bảo, ta sẽ cho ngươi được toại nguyện.

Anh thợ dệt suy nghĩ và nói với thần Núi rằng anh cần về bàn với vợ xem sao đã, rồi sẽ quay lại sau.

Trên đường về, anh gặp người bạn thân, sau khi nghe chuyện thì xui anh nên xin Thần  Núi cho anh làm vua, còn anh ta làm tể tướng để cùng hưởng sung sướng.

Anh thợ dệt nghĩ cũng phải, nhưng vẫn quyết định về bàn với vợ đã. Về nhà, thuật lại chuyện cho vợ nghe xong, thì vợ anh phân tích:

– Làm vua thì có gì vui? Phải lo nghĩ nhiều, xung quanh thì có biết bao những bọn nịnh thần và phản nghịch. Chi bằng đến xin Thần Núi giúp chúng ta có một khung cửi tốt, dệt ra những tấm vải giá trị, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu.

Người thợ dệt trở lại chỗ thần Núi, vừa đi, vừa nghĩ: Nếu có một chiếc khung cửi tốt như vậy thì đối với ta còn gì là ý nghĩa? Khung cửi tự dệt thảm, thế thì mình chỉ là người buôn thảm thôi à? Đối với mình như vậy thì có gì thú vị?

Vì vậy, anh đã nói với Thần Núi:

– Ngài đã không muốn tôi đốn cây này thì xin Ngài chữa giúp tôi cái khung cửi hoạt động tốt một chút, giúp tôi dệt vài nhanh hơn, đẹp hơn vậy.

Cuối cùng mọi thứ đã như ý muốn của anh thợ dệt.

Anh trở về lại dệt say sưa, nhanh hơn trước rất nhiều. Anh vui mừng khi thấy tấm vải do chính bàn tay mình làm ra thật đẹp. Vải của anh được nhiều người ưa chuộng, ai ai cũng ca tụng tay nghề của anh.

Anh thợ dệt không tham quyền cao chức trọng, không tham của cải đầy nhà. Anh tin rằng lao động chân chính đem lại niềm vui, hạnh phúc cho chính bản thân và mọi người. Bằng niềm đam mê và sức lao động của chính mình, anh đã sống một cuộc đời hạnh phúc và được kính trọng.

Ngọc Chi (t/h)