Triết gia Khổng Tử nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Trước tiên người ta cần cố gắng “tu sửa bản thân” từ đó tạo tiền đề cho việc “tề gia”, làm được vợ chồng tôn trọng nhau và anh em hòa thuận. Sau đó trên cơ sở gia đình toàn vẹn để đạt được mục tiêu về công danh sự nghiệp.

tuổi trung niên
Khi người ta đến một độ tuổi nào đó, thật lòng mà nói, điều họ cần nhất là một mái ấm, một nơi an ổn để đi về. (Ảnh: Genova/ Shutterstock)

Nếu một gia đình mà “cha nhân từ con hiếu thuận, anh hữu hảo em cung kính, chồng chính nghĩa vợ nhu thuận, mẹ chồng hiền đức con dâu vâng lời” thì gia đình đó chắc chắn sẽ thịnh vượng.

Điều một gia đình cần nhất là sự “hòa thuận”. Nếu những người lớn tuổi có thể đảm nhận vai trò “người cầm lái” mẫu mực thì những đứa con trong gia đình cũng sẽ noi theo. Nếu các thành viên trong gia đình có thể sống hòa thuận, vinh nhục có nhau, thì dù núi Thái Sơn có sụp đổ trước mặt họ, gia đình cũng sẽ không run sợ. Cái gọi là “hòa hợp thì có ổn định, có ổn định thì sẽ có thành công” quả đúng là không sai.

Có một câu hỏi rằng “Điều gì cần thiết để truyền lại cho các thế hệ tương lai?” Trong tất cả các câu trả lời thì có một câu trả lời rất giá trị chính là “truyền lại sự yên tĩnh và ngăn nắp”. Bởi lẽ tiền tài cũng sẽ tiêu tan, chỉ có gia đình tốt đẹp mới có thể không ngừng bồi dưỡng nhân tài, sau đó trên cơ sở “gia đình vẹn toàn” để đạt được mục tiêu về công danh sự nghiệp.

Khi người ta đến một độ tuổi nào đó, thật lòng mà nói, điều họ cần nhất là một mái ấm, một nơi an ổn để đi về.

Người trung niên cần một ngôi nhà “yên tĩnh”

Nhiều người thường phàn nàn rằng cuộc sống của họ không tốt, mối quan hệ gia đình quá tệ khiến họ luôn ở trong tâm trạng mệt mỏi. Thật ra, để xem cuộc sống của một người liệu có tốt không, hãy xem hoàn cảnh gia đình họ.

Sống trong một ngôi nhà luôn cãi vã, thì phần lớn cuộc sống của họ chỉ có bất bình ,oán hận. Ngược lại, một ngôi nhà luôn bình an yên tĩnh thì sẽ sinh ra hạnh phúc và tài lộc. Một gia đình nếu ngày nào cũng cãi cọ, ngày nào cũng để xảy ra quá nhiều mâu thuẫn, thì gia đình này trước sau cũng sẽ lục đục và đổ vỡ. 

Tại sao người ta cần một ngôi nhà “yên tĩnh” khi họ ở độ tuổi trung niên? Suốt ngày vất vả ở bên ngoài, nếu ở nhà mà còn thấy ngổn ngang, khổ sở thì lòng người sao có thể thanh thản, làm sao có thể tập chung tinh lực để đạt được thành công trong sự nghiệp? Ở đây không có ý rằng bạn nhất định phải đạt được thành công trong sự nghiệp, mà là “nhà không yên” thì làm sao tìm được không gian cho tâm hồn được nghỉ ngơi?

Cuộc đời xuất hiện đầy chuyện phức tạp là điều bình thường, nhưng trong gia đình thì không nên quá phức tạp ồn ào như vậy. Ồn ào ở đây đại diện cho “chiến tranh nóng” “chiến tranh lạnh” giữa con người với nhau. Thậm chí nghiêm trọng đến mức sẽ “nồng nặc mùi thuốc súng”. Vì vậy, thử hỏi trong hoàn cảnh đó, bạn có thể thực sự sống một cuộc sống tốt hay không?

Sự náo nhiệt của thành phố cũng đã trải nghiệm rồi. Đã đến lúc tìm một nơi yên tĩnh để sống cuộc sống nhỏ bé của riêng bạn. Cuộc sống thực ra rất đơn giản, có một mái nhà yên ấm thì đã được xem là một thành tựu trước vô số người trên thế giới này. Tĩnh lặng vốn là biểu tượng của nước chảy. Một ngôi nhà, khi mọi người hiểu được “yên tĩnh” “hòa hợp” thì sẽ hội tụ thành một dòng sông chảy mãi, không bao giờ khô cạn.

cua so
(Ảnh: New Africa/ Shutterstock)

Người trung niên cần một ngôi nhà “ngăn nắp”

Làm cho ngôi nhà trở nên ngăn nắp, có tổ chức, từ đó sẽ tạo tiền đề cho sự hòa hợp. Bằng cách này, họ có thể bổ sung cho nhau, mang lại lợi ích cho chính họ và các thế hệ tương lai một cách có trật tự.

Có những người, dù bận rộn đến đâu, ngày nào cũng về nhà và lau dọn nhà cửa, lau chùi những chỗ bị ố, cho dù không thể sạch cũng không bỏ qua việc lau nó sạch sẽ. Chỉ vì quen với cuộc sống như vậy nên không chỉ bản thân họ có thói sắp xếp gọn gàng mà ngay cả những người thân trong gia đình cũng dần làm theo từ lúc nào không hay.

Trong mắt những đứa con của gia đình này, thì bất kỳ công việc trong nhà nào cũng phải làm cho sạch sẽ, gọn gàng, coi đó là trách nhiệm. Hơn nữa, bọn trẻ còn đưa thói quen này vào việc học tập nên kết quả là trẻ luôn đứng đầu lớp, đứa trẻ cũng trở nên rất khiêm tốn và lễ phép. Thật ra đây chính là kết quả của việc trẻ được sống trong môi trường luôn ngăn nắp và gọn gàng.

Bạn biết đấy, thật khó để tìm thấy một người có hàm dưỡng trong một ngôi nhà lộn xộn. Tại sao? Chính vì nhà họ không sạch sẽ ngăn nắp, người nhà của họ cũng khó mà tuân thủ các quy củ và chuẩn tắc đạo đức. Như vậy thì làm sao họ có thể nuôi dưỡng được những người lương thiện và những thế hệ trẻ trong sạch được.

Trách nhiệm lớn nhất của một người ở tuổi trung niên là tạo cho mình một ngôi nhà yên tĩnh và cho thế hệ trẻ một ngôi nhà ngăn nắp. Hãy để mọi thứ vào nề nếp, để mọi thứ phát triển tự nhiên và để mọi thứ đâu vào đấy.

Thành tựu lớn nhất của một người khi đến tuổi trung niên là gì?

Tục ngữ có câu: “Gia đình hòa thuận, vạn vật thịnh; gia đình bất hòa, vạn vật suy tàn”.

Gia đình không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của chính bản thân một người, mà còn ảnh hưởng đến phúc khí của các thế hệ tương lai. Trong một gia đình hạnh phúc, hầu hết họ đều có những cuộc tranh luận nhưng cuối cùng vẫn là sự thấu hiểu, yêu thương và ở bên nhau suốt đời.

Có thể có người thắc mắc, gia đình có tiền chẳng phải tốt sao? Tại sao vẫn còn quá nhiều rắc rối? Thành thật mà nói, chỉ cần có sức khỏe và ý chí thì tiền là thứ có thể kiếm lại được. 

Khi một người đến tuổi trung niên, họ đã nhìn thấy tất cả những thăng trầm nơi thế gian, nhìn thấu những biến đổi của lòng người. Có một chân lý là: “Nhà càng tích thiện thì càng có phúc, nhà càng tích ác thì ắt có tai họa”. Gia đình là bến đỗ cuối cùng của một người. Nếu nơi ấy hỗn loạn và đầy rẫy những cuộc cãi vã, thì nó không phải là một gia đình thật sự.

Thế cho nên, thành tựu lớn nhất của mỗi người trong đời không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, mà là có một mái ấm “yên bề gia thất”.

Trúc Nhi/ Theo Aboluowang