Hơn một nửa số người đăng ký tập gym không đi tập – và năm này qua năm khác, họ tiếp tục trả tiền cho một dịch vụ mà họ chẳng hề sử dụng. Tại sao?

Không lâu sau khi đồng hồ điểm 12h khuya và người dân Mỹ chính thức bước sang năm mới, Josh Kline nhắm mắt lại và thầm nhẩm trong đầu “lời nguyện ước tân xuân” của mình: Anh sẽ đăng ký đi tập gym. Anh sẽ đi tập hàng ngày. Anh sẽ thủ tiêu cái bụng phệ đầy mỡ này và trở lại bảnh bao đẹp mã như ngày xưa!

Vâng, Kline cao 6 vại bia và bụng chứa đầy thịt nướng. Nhưng xin thề, năm này tình thế sẽ thay đổi: Anh sẽ làm được điều đó.

Vì sao đăng ký tập gym dài hạn là một khoản đầu tư rất tệ?
(ảnh: Shutterstock)

Sau đó vài ngày, và ngắm qua vài bức ảnh trên mạng xã hội để khơi thêm cảm hứng, anh chàng 32 tuổi sống tại bang New Jersey này đến một phòng tập gym lớn trong vùng, ký vào một thẻ hội viên 1 năm có giá 650 đôla. Trừ những chi phí khác đi, tính trung bình là 50 đô la một tháng – không hề cao nếu chia cho số ngày trong đó.

Nhưng tới đầu tháng 2, lời nói gió bay. Quyết tâm đi tập “mỗi ngày” dần trở thành “cách ngày”; rồi dần trở thành hai ngày một tuần… rồi một lần một tuần… và cuối cùng là không lần nào cả. Tới cuối năm, bảng tổng kết đi tập của Kline trông như thế này:

  • Tháng 1 – 19 ngày
  • Tháng 2 – 11 ngày
  • Tháng 3 – 7 ngày
  • Tháng 10 – 4 ngày
  • Tháng 11 – 2 ngày
  • Tháng 12 – 2 ngày

Những câu chuyện như của Kline nghe rất phổ biến. “Tập thể dục nhiều hơn” liên tục là lời nguyện ước tân niên phổ biến nhất trong năm mới – và cứ tháng 1 hàng năm, các phòng tập gym lại tuyển thêm nhân viên và chuẩn bị cho một lần hốt bạc mới.

Nhưng hẳn có điều gì đó không ổn trong chuyện này: bỏ một số tiền lớn để đăng ký tập gym, tuy đáng nể nhưng thực ra lại là một trong những khoản đầu tư tệ hại nhất bạn có thể bỏ ra.

Lý do của việc này là từ cách chúng ta tự hứa hẹn với bản thân để trở nên tốt hơn, mô hình kinh doanh cốt lõi của ngành công nghiệp thể dục thể hình, và cả kinh tế học hành vi. Nhưng trước khi đi sâu hơn vào những thứ hàn lâm, hãy cùng nhìn vào một bức tranh lớn hơn.

Hãy đưa tôi 700 đô!

Ở Mỹ, 60,8 triệu người (trung bình 1/5 số người lớn) là hội viên của một trong khoảng 38.000 phòng tập thể hình hoặc câu lạc bộ sức khỏe tại quốc gia này. Họ trả phải tiền hội phí theo năm, theo tháng hoặc theo ngày để luyện tập. Tổng kết lại, các phòng gym kiếm được tổng doanh thu 30 tỷ đô la một năm.

Phí hội viên thay đổi theo biên độ rất rộng phụ thuộc vào vị trí hay sở thích về gym của người tập, nhưng mức lệ phí trung bình một tháng của cả ngành là 58 đôla, hay 696 đô la một năm.

Ngoài mức lệ phí theo tháng, các phòng gym thường yêu cầu đóng “lệ phí năm” (trả mỗi đầu chu kỳ đăng ký mới), và “phí nhập hội” (khoản phí đóng một lần, có thể lên tới 250 đô, trả ngay khi ký hợp đồng).

Mục đích chính của những loại phí này là để các phòng gym có cái gì đó để giảm giá và khiến bạn cảm thấy đang vớ được món hời. Trên thực tế, chi phí thực của phòng gym để đăng ký mới cho bạn chỉ khoảng 3 đô.

Nếu những người tập chăm chỉ tới phòng 7 lần một tuần, và 52 tuần một năm, thì 696 đô chia ra sẽ chỉ còn 1,9 đô/lần tập. Thậm chí là với 4 lần/tuần thì bạn cũng chỉ phải trả 3,36 đô/lần tập.

Nhưng vấn đề ở đây là: chúng ta không bao giờ đi đủ 7 lần/tuần. Hay thậm chí là 4, là 3. Điều biến thẻ tập gym thành một món đầu tư tệ hại chính là sự thiếu kỷ luật của chúng ta.

Sự đắt đỏ thực sự của một lần tập gym

Một nghiên cứu của các nhà kinh tế học thuộc Đại học Berkeley phát hiện rằng, mặc dù các hội viên dự đoán họ có thể đi tập được 9,5 lần một tháng, nhưng con số thực tế chỉ là 4,17 lần/tháng. Đồng nghĩa với khoảng 50 lần/năm.

Giả sử mỗi buổi tập kéo dài 1 tiếng, thì một hội viên người Mỹ sẽ phải trả 14,5 đôla/lần tập. Nếu so sánh với các chi phí khác, thì đây quả thực là một khoản tốn kém khủng khiếp.

Tại sao mức trung bình của tập gym lại thấp như vậy. Hóa ra là một lượng lớn những người đăng ký tập và trả tiền … lại chẳng hề đi tập.

Một nghiên cứu của Statistic Brain trên 5.313 người Mỹ đi tập gym cho thấy 63% số thẻ hoàn toàn không được sử dụng đến. Các dữ liệu chi tiết minh chứng cho sự thật còn ảm đạm hơn:

  • 82% số người đăng ký tập ít hơn 1 lần/tuần.
  • 22% ngừng hoàn toàn sau 6 tháng
  • 31% nói rằng họ sẽ không bao giờ chi tiền nếu họ biết trước là sử dụng ít đến thế.

Từ các số liệu thu thập được, các tác giả nghiên cứu ước tính những người tập gym phổ thông không tận dụng hết 2/3 thẻ tập của họ – và lãng phí khoảng 39 đôla/tháng, hay 468 đôla/năm.

Và thật tình cờ là, sự lười biếng và thiếu kỷ luật của chúng ta lại chính là nguồn nuôi sống ngành công nghiệp tập gym.

Các phòng tập kiếm tiền nhờ việc bạn KHÔNG tới tập

Đến hẹn lại lên, cứ tháng 1 hàng năm, khi tinh thần thay đổi của người người cao như núi, thì số lượt đăng ký tham gia các phòng tập lại tăng thêm 50%.

Giám đốc một trung tâm thể dục thể hình từng gọi đó là “cơn bão hoàn hảo” – khoảng thời gian mà “thời tiết lạnh cùng với tâm lý phải thay đổi gì đó trong năm mới” khiến chúng ta đặt ra những mục tiêu cao ngất. Nhưng hầu hết những người đăng ký mới, như anh chàng Josh Kline của chúng ta, cuối cùng sẽ không thể chống lại được sự cám dỗ của lười biếng.

Vì sao đăng ký tập gym dài hạn là một khoản đầu tư rất tệ?
(ảnh: Shutterstock)

Nghe thật ngược đời, những các phòng tập gym lớn lại không muốn hội viên của mình đến tập.

“Nếu một phòng tập vận hành với hơn 5% số hội viên có mặt, thì sẽ chẳng ai có thể tập gym,” một nhà tư vấn thương hiệu giải thích. “Họ muốn mọi người tới đăng ký, nhưng họ thừa biết sau ngày 15/1, 95% số người đăng ký sẽ chẳng bao giờ quay lại nữa.”

Chuỗi phòng tập gym lớn nhất nước Mỹ có số hội viên cao gấp 20 lần công suất thực tế của mỗi phòng tập. Họ thừa hiểu rằng người tập sẽ không tới.

Theo báo cáo của Planet Money, một phòng tập của Plant Fitness có công suất tối đa 300 người, nhưng lại có hơn 6.000 thành viên. Tương tự, Gold’s Gym và Life Time Fitness ký thẻ với 5.000-10.000 người cho mỗi điểm tập nhưng chỉ có thể chứa được từ 300-500 người là hết cỡ.

Về bản chất, những người không tới tập đang “trợ giá” cho những người đi tập và cho phép các phòng gym có thể duy trì mức giá thấp.

>> Ngạc nhiên với cách chi tiêu tiết kiệm của các tỷ phú thế giới

Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục đăng ký?

Nhà kinh tế học Thomas Schelling đã viết trong tác phẩm xuất bản năm 1978 của mình, Egonomics (tạm dịch: Nghệ thuật tự quản lý), rằng trong mỗi chúng ta có “hai con người:” Ta hiện tại (tràn đầy hứng khởi và quyết tâm rèn luyện vào ngày 1/1) và ta tương lai (xếp xó thẻ tập khi tháng 3 tới). Hai con người liên tục vướng phải “mâu thuẫn thường xuyên giữa những khát khao trước mắt và các mục tiêu dài hạn.”

Thường thì, người hiện tại sẽ lừa người tương lai đưa ra những quyết định tốt đẹp bằng cách lợi dụng khái niệm “tiền cam kết”: Chúng ta cam kết điều gì đó trước để khiến ta trong tương lai không thể hoặc rất khó lùi bước.

Nếu mục tiêu của chúng ta là tiết kiệm tiền, chúng ta có thể thiết lập một hệ thống tự động chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm. Nếu chúng ta muốn học một ngoại ngữ mới, chúng ta có thể đóng tiền học phí trước. Và nếu nếu chúng ta muốn tập thể dục nhiều hơn, chúng ta có thể trói buộc bản thân bằng một thẻ tập gym cả năm.

Trang blog Refocuser viết, bằng cách tiền cam kết, bạn phải “luôn luôn giả định rằng bạn trong tương lai rất lười biếng … bạn ép bạn trong tương lại phải lựa chọn ‘điều tốt đẹp’ bằng cách lấy đi những lựa chọn còn lại.”

Vấn đề là, điều này chẳng có hiệu quả – và nó cuối cùng khiến bạn tốn nhiều tiền hơn trong dài hạn.

Vậy làm cách nào để bạn có thể tập thể dục với chi phí rẻ hơn?

Bạn không nên đổ lỗi việc này lên đầu các phòng gym: họ giúp chúng ta có cơ hội luyện tập cho cơ thể khỏe mạnh và sống hạnh phúc. Và nói chung, giá cả là tương đối phải chăng nếu tính đến những chi phí bảo trì máy móc, chi phí thiết bị và lương bổng cho nhân viên.

Mặc dù vậy, thật khó để chấp nhận chuyện phải “trợ giá” cho những người đến tập thường xuyên kia.

Một giải pháp đơn là tự tập ở nhà.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến khích tập 150 phút aerobic nhẹ nhàng (hoặc 75 phút tập nặng), thêm vào đó là ít nhất 2 buổi tập các nhóm cơ chính, trong một tuần. Điều này là dễ dàng thực hiện được mà không cần đóng phí thành viên cho các phòng tập.

Mặc dù các thiết bị bạn mua tùy thuộc vào nhiều yếu tố, từ loại động tác bạn muốn tập cho đến không gian mà bạn có, nhưng bạn hoàn toàn có thể trang bị cho mình đủ bộ thiết bị tập cho đủ các nhóm cơ trên cơ thể, và tiết kiệm không gian, chỉ với chi phí trả cho 1 năm tập gym.

Chưa hết, những món đồ đó còn có thể được sử dụng sang năm thứ 2, năm thứ 3… Và số tiền tiết kiệm được từ những năm tiếp theo này, dư sức đủ để bạn thuê một huấn luyện viên tư vấn chuyên nhắc nhở bạn dậy sớm rèn luyện mỗi ngày. Vậy là vẹn cả đôi đường rồi đấy!

Theo The Hustle
Quốc Hùng biên dịch