Karaoke đã xuất hiện trên thế giới hơn nửa thế kỷ qua và hiện là một trong những cách giải trí phổ biến của người dân trên toàn thế giới. Nếu khi đó người phát minh ra karaoke, ông Daisuke Inoue đăng ký bằng sáng chế thì chỉ trong vòng 1 năm vừa qua ông đã có thể kiếm được 100 triệu đô la tiền bản quyền. Vậy vì sao ông lại không làm điều đó?

Ông Daisuke Inoue sinh năm 1940 tại Osaka của Nhật Bản, hiện ông đã 80 tuổi và đang sống cùng gia đình tại thành phố Nishinomiya. Việc ông phát minh ra karaoke là có liên quan đến công việc của ông khi còn trẻ.

Khi ấy, ông Daisuke Inoue từng đi làm xa nhà nhiều năm, cho đến khi 28 tuổi ông mới quay về nhà. Kể từ lúc đó, ông bắt đầu biểu diễn nhạc cụ và đệm đàn cho khách ca hát tại các quán rượu quanh thành phố Kobe.

Có một ngày, tổng giám đốc của một công ty nhỏ yêu cầu ông Daisuke ghi âm một vài bài hát mà ông này yêu thích vào băng nhạc và dùng chúng để luyện hát thường xuyên rồi hát cho khách hàng nghe. Yêu cầu này đã cho ông Daisuke ý tưởng để phát minh ra karaoke.

Ý tưởng này rất đơn giản, đó là nhét đồng xu vào một cái máy có micro và loa, sau đó máy sẽ phát những bài hát mà mọi người muốn hát. Ông Daisuke có một người bạn mở tiệm bán thiết bị điện tử để ông có thể lắp tất cả các món linh kiện lại với nhau. Chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới đã ra đời như thế sau 2 tháng nghiên cứu và lắp ráp.

Sau đó, ban nhạc của ông Daisuke đã ghi âm hơn 300 bài hát cho chiếc máy karaoke này.

Embed from Getty Images

Ông Daisuke Inoue giới thiệu chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới do ông phát minh tại văn phòng ở thành phố Nishinomiya vào ngày 9/11/2004. (Ảnh: YOSHIKAZU TSUNO/AFP via Getty Images)

Ông Daisuke chia sẻ với tạp chí Topic rằng: “Tôi đã hát bài hát karaoke đầu tiên vào năm 1969. Khi đó tôi cũng không hề nghĩ rằng sẽ có ai khác cảm thấy hứng thú với chiếc máy này ngoài tôi, nhưng nó đã được đưa ra thị trường vào năm 1971.”

Dù ban đầu tình hình khá ảm đạm, nhưng máy karaoke của ông Daisuke đã dần được mọi người đón nhận và cuối cùng trở thành sản phẩm được yêu thích trên toàn thế giới.

Ông Daisuke đã được tạp chí Time bình chọn là một trong những “Người châu Á có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20” vào năm 1999 và đạt giải Ig Nobel vào năm 2004 nhờ phát minh này. Lời bình của giải Ig Nobel dành cho ông là “đã mang đến một phương thức mới để mọi người học cách bao dung lẫn nhau”.

Karaoke
(Ảnh: Shutterstock)

Lý do vì sao ông Daisuke không đăng ký bằng sáng chế

Khi được phóng viên của tờ South China Morning Post hỏi rằng vì sao không đăng ký bằng sáng chế máy karaoke, ông Daisuke trả lời rằng: “Khi đó tôi nghĩ rằng bằng sáng chế chỉ dành cho những phát minh tuyệt vời có thể tạo ra được thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ. Chiếc máy karaoke đầu tiên mà tôi chế tạo ra chỉ là lắp ráp các linh kiện điện tử có sẵn với nhau mà thôi, vì vậy tôi không hề nghĩ rằng nó cũng được xem là một ‘phát minh’.”

Embed from Getty Images

Ông Daisuke cho biết, dù rằng việc xin cấp bằng sáng chế sẽ giúp ông kiếm được một khoản thu nhập rất lớn khi còn trẻ, nhưng nếu ông làm thế thì có thể karaoke sẽ không trở nên phổ biến khắp thế giới và sẽ khiến nó mất đi ý nghĩa vốn có.

Ông Daisuke nói: “Tôi tin rằng việc muốn được ca hát là việc rất phổ biến đối với nhiều người và máy karaoke đã cho họ cơ hội được hát như một ngôi sao. Tôi luôn có suy nghĩ này khi nhìn thấy có người đang hát.”

Theo Epoch Times
Minh Ngọc

Xem thêm: