Vương quốc Anh sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về an toàn trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới từ ngày 1 – 2/11. Theo thông tin do Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ (DSIT) công bố vào ngày 31/10, có tổng cộng 27 đại diện chính phủ quốc gia và 7 tổ chức đa phương quốc tế, hơn 80 cơ quan nghiên cứu hàn lâm, doanh nghiệp và tổ chức dân sự đã tham dự hội nghị.

Rishi Sunak
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (Ảnh: UK HM Treasury/ Flickr)

Các lãnh đạo nước ngoài trực tiếp tham dự bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni.

Trong số các quốc gia được mời, gây tranh cãi nhất là Trung Quốc. Ngoài ông Ngô Triều Huy (Wu Zhaohui), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và các công ty Alibaba, Tencent cũng tham dự.

Một số nhân vật “diều hâu đối với Trung Quốc” trong chính trường Anh, trong đó có cựu Thủ tướng Liz Truss và cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith, chỉ trích việc mời Trung Quốc tham dự là phớt lờ các mối đe dọa an ninh và trong khi hồ sơ tuân thủ các thỏa thuận của Trung Quốc luôn kém.

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã có bài phát biểu tại Hiệp hội Hoàng gia vào ngày 26/10, giải thích những cơ hội và rủi ro mà trí tuệ nhân tạo mang lại, cũng như các nguyên tắc quản lý cơ bản của Chính phủ Anh đối với trí tuệ nhân tạo. Ông đã chủ động đề cập đến sự cần thiết của việc mời Trung Quốc tham dự cuộc họp.

Ông Sunak nói: “Đúng, chúng tôi đã mời Trung Quốc; tôi biết một số người sẽ nói rằng Trung Quốc nên bị loại trừ khỏi hội nghị.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nếu ít nhất chúng ta không cố gắng lôi kéo các cường quốc trí tuệ nhân tạo toàn cầu vào quá trình thảo luận, thì sẽ không có chiến lược AI toàn cầu nào đáng xem xét nghiêm túc. Ông cho rằng vấn đề này có thể không dễ dàng, nhưng nó đúng.

Ông Sunak cũng đề cập rằng xét về sức mạnh công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, Mỹ đứng đầu thế giới, tiếp theo là Trung Quốc và Vương quốc Anh.

Kể từ khi có thông báo chính thức vào tháng 6 rằng Vương quốc Anh sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về an ninh trí tuệ nhân tạo toàn cầu, quan điểm cơ bản của ông Sunak luôn là các vấn đề liên quan đến sản phẩm nhân tạo mang tính xuyên biên giới và có thể đặt ra những thách thức lớn toàn cầu, do đó hội nghị phải bao gồm các quốc gia và công ty chủ chốt.

Ngày 1/11, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Đảng cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài xã luận với tiêu đề “Đừng hiểu việc Trung Quốc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Trí tuệ nhân tạo Toàn cầu theo một cách hiểu hẹp”. Bài viết nói rằng vì nó được gọi là “Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu” về an ninh trí tuệ nhân tạo, nếu Trung Quốc, quốc gia có thị trường ứng dụng trí tuệ nhân tạo lớn nhất thế giới, bị loại trừ, thì đó sẽ là một trò đùa hoặc một trò hề, và Vương quốc Anh chỉ cách điều này một bước chân. Thời báo Hoàn Cầu cũng nêu rằng một số chính trị gia Anh phản đối rất lớn tiếng việc mời Trung Quốc tham dự, ngay cả sau khi Chính phủ Anh quyết định mời Trung Quốc, vẫn có một số “tiếng nói” gay gắt ở Anh. Cựu Thủ tướng Truss thậm chí còn viết thư cho Thủ tướng đương nhiệm Sunak yêu cầu đảo ngược quyết định này.

Tuần trước, Trung Quốc đã nhận lời mời từ Anh tham dự hội nghị thượng đỉnh. Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), đây là một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ đang tan băng kể từ khi Ngoại trưởng Anh James Cleverly đến thăm Bắc Kinh vào tháng 8. Chuyến đi của ông James Cleverly là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một Ngoại trưởng Anh sau 5 năm.

Dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson, mối quan hệ giữa Vương quốc Anh với Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Vào thời điểm đó, London đã hạn chế một số khoản đầu tư của Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia. Vương quốc Anh cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đàn áp các quyền tự do ở Hồng Kông.

Các chuyến thăm Trung Quốc của các công chức và cựu quan chức cấp cao của Anh đã tăng lên trong những tháng gần đây. Cựu Thủ tướng Tony Blair đã đến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng này và gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường quan hệ với Đảng Lao động đối lập trước cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra vào năm tới.

Trí Đạt (t/h)