Hệ thống dẫn nước Segovia là một ví dụ điển hình về kiến trúc vận tải đường thủy của người La Mã cổ đại – thiết kế đơn giản nhưng lộng lẫy đến khó tin và có độ bền đáng kinh ngạc. Cầu máng này được xây dựng vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên để dẫn nước từ sông Frío cách đó 17km đến thành phố Segovia. Nó đã thực hiện chức năng của mình trong suốt 2000 năm qua. Một điều ấn tượng hơn là hệ thống dẫn nước này được xây dựng mà không dùng đến vữa.

Cầu máng Segovia
Cầu máng Segovia – một kiệt tác kiến trúc không cần đến vữa xây dựng. (Ảnh: Sergey Dzyuba/Shutterstock)

Thành phố Segovia, nằm cách thủ đô Madrid, Tây Ban Nha khoảng 100km về phía Tây Bắc, ban đầu là một khu định cư của người Celt trước khi thành phố rơi vào tay người La Mã vào khoảng năm 80 trước Công Nguyên. Dưới thời La Mã, Segovia đã vươn lên trở thành một thị trấn quan trọng của bán đảo Hispania. 

Cầu máng Segovia là một công trình kiến trúc táo bạo làm từ các khối đá hoa cương xếp chồng lên nhau mà không sử dụng vữa và cũng không có thanh giằng, được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ nhất hoặc đầu thế kỷ thứ hai. Thật khó để xác định chính xác thời điểm cầu máng này được khánh thành vì những dòng chữ trên đá của ống dẫn nước đã bị xói mòn. Bằng chứng khảo cổ cho thấy nhiều khả năng cầu máng Segovia được xây dựng vào niên đại muộn hơn, vào khoảng thời gian Hoàng đế Trajan hoặc Hoàng đế Hadrian trị vì La Mã.

Cầu máng Segovia
(Ảnh: Juan Enrique del Barrio/Shutterstock)

Nước được dẫn từ những ngọn núi, tận dụng độ cao tự nhiên thông qua một kênh ngầm đến một bể chứa lớn gọi là El Caserón (hay ‘Ngôi nhà lớn’), từ đó được dẫn đến một tòa tháp thứ hai gọi là Casa de Aguas (hay ‘Ngôi nhà Nước’). Ở đó, nước được gạn lọc một cách tự nhiên và cát lắng xuống, nước sau đó tiếp tục di chuyển 728 mét qua cầu máng dẫn nước trên cao cho đến khi nó đến khu vực quảng trường Plaza de Díaz Sanz.

Băng qua quảng trường rộng lớn, cây cầu dẫn nước trông nổi bật và ấn tượng với những mái vòm kép cao được chống đỡ bởi các cột trụ giữ thăng bằng một cách ngoạn mục. Quyết định xây cầu mà không sử dụng vữa có lẽ là một việc bắt buộc bởi sự thiếu hụt đá vôi để làm xi măng trong khu vực này. Ngạc nhiên thay, việc thiếu xi măng có thể đã góp phần nâng cao tuổi thọ của kiến trúc độc đáo vì nó cho phép cây cầu có thể uốn dẻo linh hoạt, chính điều này giúp cầu máng tồn tại qua được những trận động đất nhỏ.

Cầu máng Segovia
(Ảnh: LucVi/Shutterstock)

Cây cầu được xây dựng từ khoảng 20.400 khối đá hoa cương, khối lớn nhất có trọng lượng 2 tấn và một khối đá thông thường nặng khoảng 1 tấn. Chúng được kéo lên gần 30 mét với sự hỗ trợ của cần cẩu gỗ, bằng chứng cho thấy điều này là các lỗ còn lưu lại trên mặt đá hoa cương. Các cạnh tròn của những khối đá hoa cương một phần là tự nhiên, một phần là dấu hiệu bào mòn của thời gian và sự phong hóa. 

Trong thời kỳ La Mã, ba trong số các mái vòm cao nhất có một ký hiệu chữ bằng đồng cho biết tên của người xây dựng nó cùng thời gian xây dựng. Ngày nay, người ta vẫn còn nhìn thấy 2 cái hốc, mỗi mặt cầu có một cái. Một trong số đó được biết đến là có hình tượng của Hercules, theo truyền thuyết là người sáng lập nên thành phố. Hốc này bây giờ hiện có hình ảnh của một Trinh Nữ. Hình ảnh trong hốc còn lại đã bị mất.

Nói rằng cầu máng tồn tại trong 2.000 năm là không hoàn toàn chính xác. Vào thế kỷ 11, cuộc xâm lược của đế chế Hồi giáo Moor do Yahya ibn Ismail Al-Manun lãnh đạo đã phá hủy khoảng 36 vòm cầu dẫn nước. Sau đó, một số tảng đá đã được sử dụng để xây dựng lại lâu đài của Vua Alfonso VI. Vào thế kỷ 15, những phần bị hư hỏng đã được khôi phục lại một cách cẩn thận để không làm thay đổi bất kỳ kiến trúc hay phong cách ban đầu nào. Vào đầu thế kỷ 19, tất cả các tòa nhà liền kề với hệ thống dẫn nước đã bị phá bỏ để giúp việc sửa chữa cây cầu diễn ra thuận tiện hơn và tăng tính toàn vẹn của cấu trúc.

Cau mang Segovia 2
(Ảnh: AdrianNunez/Shutterstock)

Mặc dù cầu máng Segovia được coi là một trong những cầu dẫn nước trên cao của La Mã được bảo tồn tốt nhất, nhưng cấu trúc này đã không vận hành ổn trong thời gian gần đây. Xói mòn và mục nát gây ra rò rỉ nước từ cầu cạn phía trên và ô nhiễm từ ô tô khiến các khối đá hoa cương xấu đi và nứt nẻ. Kể từ năm 2006, cầu máng này đã được Quỹ Di tích Thế giới (WMF) xếp vào danh sách những di tích cần được quan tâm.

Theo Amusing Planet
Hoa Minh

Xem thêm: