Hôm thứ Năm (7/9), Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa H2A mang theo tàu thăm dò mặt trăng SLIM. Sau một loạt sự chậm trễ liên quan đến thời tiết, cuối cùng tên lửa đã cất cánh. Sự kiện này có khả năng đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 5 hạ cánh thành công lên mặt trăng vào năm tới.

ba256dff0fb6b7c
Hôm 7/9/2023, một tên lửa H2A mang theo tàu thăm dò bề mặt mặt trăng nhỏ và vệ tinh thiên văn học tia X, đã cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản phóng thành công tàu đổ bộ lên mặt trăng. (Ảnh: Chụp màn hình YouTube / JAXA)

Vào khoảng 8:42 (giờ địa phương) hôm thứ Năm (7/9), tức 6:42 ngày 6/9 (theo giờ Hà Nội), Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa H2A, mang theo vệ tinh thiên văn học tia X tiên tiến (XRISM) và “Trạm nghiên cứu Mặt Trăng thông minh” (SLIM) từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima.

SLIM dự kiến được ​​phóng vào tháng 8, nhưng đã bị trì hoãn 3 lần (hơn 10 ngày) do thời tiết xấu.

Vào khoảng 9:30 (giờ địa phương), tàu thăm dò mặt trăng SLIM tách khỏi tên lửa, bắt đầu hành trình tới bề mặt mặt trăng một cách thành công, dự kiến ​​​​sẽ đến mặt trăng sớm nhất là vào tháng 1 năm sau.

Tàu đổ bộ thăm dò nhỏ SLIM do Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển, có công nghệ hạ cánh với độ chính xác cao, và có thể hạ cánh chính xác trong phạm vi 100m, do đó nó đã giành được biệt danh “Xạ thủ mặt trăng” (Moon Sniper).

SLIM cao 2,4m, rộng 2,7m, dài 1,7m và nặng khoảng 700kg. Một trong những mục tiêu của nhiệm vụ lần này là thể hiện kỹ thuật hạ cánh chính xác. Nếu thành công, sự kiện có thể mở đường cho các tàu thăm dò khác có độ chính xác điều hướng cao.

SLIM sẽ bay theo lộ trình dài tiết kiệm nhiên liệu, dự kiến tới quỹ đạo Mặt Trăng sau 3 – 4 tháng nữa. Tàu sẽ quan sát bề mặt Mặt Trăng trong một tháng trước khi tiếp đất bên trong miệng hố Shioli Crater, hố va chạm rộng 300 m nằm ở 13 độ vĩ nam.

JAXA cho biết, SLIM sẽ ở trên quỹ đạo Trái đất trong 1 tháng. Sau đó, trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng, nó sẽ du hành tới Mặt trăng thông qua một loạt chuyển động theo quỹ đạo và chuẩn bị hạ cánh. Cuối cùng, SLIM sẽ hạ cánh vào khoảng giữa tháng 1 và tháng 2 sau khi bay quanh mặt trăng.

SLIM cũng mang theo hai tàu thăm dò mini, giải phóng trên bề mặt Mặt Trăng sau khi hạ cánh. Bộ đôi tàu mini sẽ giúp đội điều khiển nhiệm vụ theo dõi tình trạng của trạm đổ bộ lớn hơn, chụp ảnh khu vực hạ cánh và cung cấp hệ thống liên lạc trực tiếp với Trái Đất.

Ngoài SLIM, tên lửa còn mang theo một vệ tinh quan sát thiên văn mới XRISM do JAXA, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) cùng phát triển.

Tên đầy đủ của XRISM là “Nhiệm vụ quang phổ và chụp ảnh tia X”. NASA cho biết, vệ tinh và 2 thiết bị của nó có thể sử dụng các bước sóng mà mắt người không nhìn thấy được, để quan sát những vùng nóng nhất của vũ trụ, những cấu trúc lớn nhất và những vật thể có trọng lực mạnh nhất, phục vụ cho công tác nghiên cứu nguồn gốc của vũ trụ.

Tới nay, chỉ có 4 quốc gia từng đưa tàu thăm dò lên Mặt Trăng là Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhiệm vụ lần này được tiến hành khi cuộc đua không gian mới nóng lên. Ngày 23/8, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu vũ trụ gần Cực Nam của Mặt trăng. Năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh ở phía sau của Mặt trăng.

NASA có kế hoạch cử 3 phi hành gia người Mỹ và 1 phi hành gia người Canada thực hiện nhiệm vụ bay quanh mặt trăng có người lái vào năm 2024, và cử 2 phi hành gia đến cực nam của mặt trăng vào năm 2025. Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập một trạm nghiên cứu lâu dài trên mặt trăng, và đưa phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2030.

Sau vài giờ phóng tên lửa, Chủ tịch JAXA Hiroshi Yamakawa nói với giới truyền thông rằng trước sự kiện này, ông rất vui mừng khi thông báo vụ phóng đã thành công. Đây là một sự kiện lớn, thậm chí còn quan trọng hơn cả bình thường.

Tháng 3 năm nay, tên lửa phóng chủ lực mới nhất H3 của Nhật Bản đã thất bại trong lần phóng lần đầu tiên. Ban đầu Nhật Bản đặt nhiều hy vọng vào H3, tên lửa được cho là có giá thành rẻ hơn. Sự kiện phóng thành công ngày 7/9 là cú hích quan trọng cho kế hoạch chinh phục không gian của Nhật Bản.

Hiện tại, tên lửa H3 dự kiến ​​sẽ phóng trở lại vào quý 1/2024. Tên lửa H3 dự kiến ​​​​sẽ thực hiện nhiệm vụ chung Nhật Bản-Ấn Độ lên Mặt trăng vào năm tài chính 2025. Khi đó, tàu đổ bộ Chandrayaan 4 sẽ được phóng trên tên lửa H3, đưa tàu thám hiểm mặt trăng của Nhật Bản đến cực nam Mặt trăng.

Bình Minh (t/h)