OpenAI, ‘mẹ đẻ’ của ChatGPT, đang tìm kiếm khả năng tự sản xuất chip chuyên dụng cho AI, Reuters báo cáo hôm Thứ Năm (5/10). Công ty đang có các cân nhắc mua lại một mục tiêu tiềm năng. Hiện nay, OpenAI vẫn dựa chủ yếu vào chip của NVIDA, hãng chiếm tới 80% thị trường chip cho ngành trí tuệ nhân tạo AI.

shutterstock 2286024935
(Ảnh: Rafapress/ Shutterstock)

Giám đốc điều hành Sam Altman của OpenAI đã coi vấn đề chip AI là ưu tiên hàng đầu của công ty. Ít nhất là từ năm ngoái, họ đã thảo luận về nhiều lựa chọn khác nhau để giải quyết tình trạng thiếu chip AI do OpenAI hiện vẫn phải dựa vào các chip đắt tiền của thị trường, chủ yếu là NVIDIA, theo những nguồn thạo tin của Reuters.

Trong các lựa chọn này có phương án tự làm chip AI của riêng mình, hoặc hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà sản xuất chip khác kể cả NVIDIA, đồng thời tìm cách đa dạng hóa nguồn chip để tránh phụ thuộc vào sự độc quyền của NVIDIA.

Nhưng công ty vẫn còn do dự và chưa quyết định, theo các cuộc thảo luận nội bộ gần đây mà Reuters được biết. OpenAI từ chối bình luận.

Kể từ năm 2020, OpenAI đã phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo tổng hợp như ChatGPT trên một siêu máy tính khổng lồ do Microsoft —một trong những nhà tài trợ lớn nhất của hãng— chế tạo. Chiếc siêu máy tính này dùng tới 10.000 đơn vị xử lý đồ họa (GPU) của NVIDIA.

Tỷ trọng chi phí phần cứng cho hãng chip AI NVIDIA là rất cao. Việc chạy ChatGPT rất tốn kém đối với công ty.

Theo phân tích của nhà phân tích Stacy Rasgon của Bernstein, mỗi truy câu trả lời cho khách hàng của ChatGPT tốn khoảng 4 cent (0,04 đô la).

Nếu khách hàng truy vấn ChatGPT tăng đến cỡ một phần mười quy mô tìm kiếm của Google, thì chi phí khởi điểm về GPU sẽ khoảng 48,1 tỷ USD, và cần đổ vào thêm 16 tỷ USD mỗi năm để duy trì hoạt động.

Kỷ nguyên chip chuyên dụng cho AI

Mặc dù nhu cầu chip chuyên dụng cho AI đã thành một mảng thị trường với tiềm năng phát triển cao, nhưng chưa có con chip nào thực thụ chuyên dụng cho AI. NVIDIA, hãng chiếm đến 80% mảng thị trường này, kỳ thực là bán chip chuyên dụng cho đồ họa (GPU — Graphics Processing Unit). Nó nguyên được thiết kế chuyên cho các trò chơi điện tử, và các ứng dụng đồ họa cao cấp.

Trong tình huống ngành AI bùng phát, những GPU của NVIDIA đã chiếm lĩnh mảng thị trường này.

Theo Reuters phân tích, nỗ lực của OpenAI phát triển chip AI chuyên dụng —một mảng công nghệ mới— sẽ dẫn tới việc một số hãng công nghệ thông tin hàng đầu —như Google và Amazon— cũng nhảy vào lĩnh vực này, với kỳ vọng chiếm lợi thế của người tiên phong và tìm cách làm chủ mảng thị trường này.

Trong tình huống đó, không rõ liệu OpenAI có tiếp tục kế hoạch xây dựng chip AI chuyên dụng nữa hay không.

Theo các chuyên gia kỳ cựu trong ngành, làm như vậy sẽ là một sáng kiến ​​chiến lược lớn và một khoản đầu tư lớn với chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Đây sẽ một cuộc cạnh tranh khốc liệt về thiết bị phần cứng. Ngay cả khi OpenAI cam kết tài nguyên cho nhiệm vụ ấy thì nó cũng không đảm bảo thành công.

Trong trường hợp OpenAI mua lại một hãng làm chip, thì có thể đẩy nhanh quá trình xây dựng chip riêng của OpenAI. Đây là tương tự tình huống 2015, khi Amazon mua lại Annapurna Labs.

OpenAI hiện đang xem xét thẩm định một đối tượng tiềm năng, theo một nguồn thạo tin của Reuters, nhưng chưa thể biết được tên công ty của đối tượng này.

Ngay cả khi OpenAI theo con đường tự tạo chip AI —kết cả việc mua lại— thì nỗ lực này có thể sẽ mất vài năm. Nghĩa là, trong thời gian chờ đợi, thì OpenAI vẫn còn tiếp tục phụ thuộc vào các hãng chip như NVIDIA hay AMD.

Con đường tự tạo chip chuyên dụng cho mảng ứng dụng phần mềm của mình là đã có những công ty tiến hành rồi, nhưng cho đến nay thì kết quả vẫn còn hạn chế.

Ví dụ, các nỗ lực sản xuất chip chuyên cho mình của Meta đã gặp phải nhiều vấn đề, khiến công ty phải loại bỏ một số chip AI của mình.

Chủ sở hữu Facebook hiện đang nghiên cứu một con chip mới hơn có thể hỗ trợ tất cả các loại công việc AI.

Người ủng hộ chính của OpenAI —Microsoft— cũng đang phát triển một chip AI đặc thù mà OpenAI đang thử nghiệm, theo The Information đưa tin.

Nhật Tân