Việt Nam: 5 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu lao dốc giảm hơn 47 tỷ USD
- Đức Minh
- •
Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu đã giảm 47 tỷ USD, tương đương giảm hơn 15% so với cùng kỳ. Thị trường “trong – ngoài” đều gặp khó khiến các doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh ở Việt Nam tiếp tục chiều hướng gia tăng.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang lao dốc vì sức mua ở các thị trường lớn sụt giảm mạnh. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước chỉ đạt 260,8 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm hơn 47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 135,2 tỷ USD, giảm 12,3%, nhập khẩu đạt 125,5 tỷ USD, giảm 18,4%.
Nguyên nhân do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) giảm chi tiêu khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm mạnh; đặc biệt đối với các ngành như: dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế,…
Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 88.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh (tăng 22,6%) so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Trong đó, 55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 20,3%), 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 34,1%), 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%).
Tính riêng trong tháng 5, cả nước có hơn 5.360 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, (tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022), gần 4.720 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hơn 1.220 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Thị trường gặp khó, doanh nghiệp còn đối mặt với vấn nạn mất điện
Các doanh nghiệp cho biết việc thiếu điện khiến họ phải cho dừng nhà máy từ sáng đến tối, công nhân nghỉ việc và ảnh hưởng tiến độ đơn hàng phải giao, theo báo Vnexpress.
Một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô 2.000 công nhân tại Bắc Ninh cho biết đã nhận được thông báo cắt điện từ tuần trước (cắt 1-10 giờ, tùy ngày).
“Máy phát điện được kích hoạt nhưng chỉ đủ duy trì một số hoạt động cơ bản và khu văn phòng, không đảm bảo được sản xuất”, đại diện đơn vị này chia sẻ.
Không riêng công ty sản xuất tiêu dùng trên, nhiều đơn vị khác tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), hay Thăng Long (Hà Nội) những ngày qua đều buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất khi nhận kế hoạch cắt giảm điện 24h trong các ngày 5-6/6.
Tương tự, tại Bắc Giang những ngày qua, loạt doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Vân Trung cũng nhận thông báo tạm ngừng cấp điện đột xuất trong 24h (từ 7h30 sáng 3/6 đến 7h30 sáng 4/6).
Việc cắt điện luân phiên, vài tiếng hoặc cả ngày đã ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất. Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho biết đã phải cho toàn bộ công nhân nghỉ việc sau khi nhận thông báo nhà máy bị mất điện lưới trong 6h.
“Một mẻ sản xuất chất phụ gia thường mất 18h mới cho ra sản phẩm. Nguyên liệu đang “nấu” ở thể nóng chảy, điện mất sẽ đông cứng lại. Chi phí sản xuất lại rất lớn, rủi ro này ai chịu?”, ông nói.
Một doanh nghiệp sản xuất, gia công có hai nhà máy tại Bắc Ninh cho hay đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mất điện. “Thiếu điện khiến chúng tôi phải cho dừng nhà máy từ sáng đến tối, công nhân nghỉ việc và ảnh hưởng tiến độ đơn hàng phải giao”, người này chia sẻ.
Ngoài sản xuất, các doanh nghiệp dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, ông Hoàng Văn Đài – Giám đốc khối salon 30 Shines, cho biết chuỗi cắt tóc này đang bị ảnh hưởng nhiều vì mất điện tại khu vực phía Bắc.
“Có hôm chúng tôi bị mất điện 8 tiếng trong ngày, thời gian cũng bị chia khung dẫn đến không hoạt động được. Cả salon gián đoạn”, ông Đài cho biết.
Từ khóa Tổng cục Hải quan Tổng cục Thống kê Mỹ Dòng sự kiện xuất nhập khẩu