Theo Bộ Tài chính, tính đến nay mức dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 9 ngày nhập ròng, đồng thời chưa có dự trữ quốc gia đối với dầu thô.

dieu chinh gia kho xang dau petrolimex kho xang dau du tru xang dau
Việt Nam chưa có kho xăng dầu dự trữ quốc gia mà phải đang dùng chung với kho của doanh nghiệp tư nhân. (Ảnh minh họa: thanhphohaiphong.gov.vn)

Theo đó, hiện Chính phủ Việt Nam chỉ vừa phê duyệt quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt vào hôm 18/7. Trong đó, Bộ Tài chính cho biết dự kiến mục tiêu dự trữ sẽ nâng lên khoảng 500.000 đến 1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1 – 2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15 – 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 – 2030.

“Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030, làm cơ sở để triển khai thực hiện”, Bộ Tài chính cho biết.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương là cơ quan chủ trì triển khai các mục tiêu đề ra trong quy hoạch. Trong đó có xây dựng hạ tầng dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu và dầu thô.

Vì vậy, đối với việc xây dựng Trung tâm dự trữ năng lượng quốc gia riêng, độc lập để quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính cho hay sẽ phối hợp với Bộ Công thương triển khai thực hiện.

Trước đó, ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài và thiếu dự trữ quốc gia, xăng dầu của Việt Nam thiếu trầm trọng dẫn đến rất nhiều cây xăng trên cả nước đóng cửa.

Mặt khác, Việt Nam dù là quốc gia xuất khẩu dầu thô nhưng các nhà máy lọc dầu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu, nhiều nhất là nhập từ Hàn Quốc.

Theo ghi nhận từ Bộ Công thương Việt Nam, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp đã nhập khẩu tổng cộng 6,26 triệu tấn, trị giá 4,95 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ.

Các thị trường mà Việt Nam tăng nhập khẩu xăng dầu là Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.

Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước, trước bối cảnh Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng bảo dưỡng, theo Bộ Công thương.

Đầu tháng 7, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng đã thông báo tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng 55 ngày từ 25/8. Đơn vị này đang đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Đức Minh