Bộ Tài chính cho biết chỉ 20 doanh nghiệp bất động sản đã có tổng nợ vay từ trái phiếu đến hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2021. Trong đó, có nhiều đơn vị phát hành vay nợ cao gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu, gây rủi ro tiềm ẩn lớn cho thị trường.

trai phieu bat dong san dan dau quy 1 2022 trai phieu BDS nhieu rui ro
Bộ Tài chính cho biết riêng 20 DN bất động sản đã vay từ trái phiếu hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2021. (Ảnh minh họa: moc.gov.vn)

Trong báo cáo gửi Chính phủ Việt Nam mới đây, Bộ Tài chính cho biết tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2021 gần 639.770 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020. Trong đó, lượng TPDN phát hành theo hình thức riêng lẻ đạt 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8%.

Riêng quý 1/2022, tổng giá trị TPDN phát hành riêng lẻ đạt 104.752 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Quy mô thị trường TPDN bằng khoảng 18,2% GDP tính tới cuối năm 2021, tăng 42,4% so với cuối năm 2020. Trong đó, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ bằng 16,84% GDP, tăng 40,5%.

Về doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tín dụng chiếm 36,18% khối lượng phát hành, doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,16%. Còn các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, xây dựng chiếm lần lượt 5,5%, 4,59%, 3,19%.

Theo ghi nhận, doanh nghiệp bất động sản là nhóm có lãi suất phát hành bình quân cao nhất thị trường và kỳ hạn phát hành thấp nhất thị trường.

Với nhóm doanh nghiệp này, Bộ Tài chính cho biết 143 doanh nghiệp đã thực hiện 280 đợt phát hành với giá trị phát hành là gần 200.740 tỷ đồng trong năm 2021.

Trong số 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường năm 2021, Bộ Tài chính cho biết tổng số nợ phát hành qua trái phiếu lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp được ghi nhận có trị giá phát hành trái phiếu cao gấp vài chục lần vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, Công ty Mediterranean Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.

Tương tự, Công ty Osaka Garden năm vừa qua phát hành 7.700 tỷ trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu trên vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần.

Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, hàng loạt doanh nghiệp đang có lượng phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần; Công ty CP Hoàng Phú Vương và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence cùng gấp 6 lần; Công ty CP Kinh doanh Nhà Sunshine gấp 7,3 lần…

Theo thống kê của Bộ Tài chính, lãi suất phát hành TPDN riêng lẻ bình quân ở mức 7,94%/năm trong năm 2021, thấp hơn 1,4% so với năm 2020 và thấp hơn từ 1-2% so với lãi suất trung-dài hạn phổ biến của các tổ chức tín dụng hiện nay.

Về cơ cấu lãi suất, có 39,3% trái phiếu phát hành với lãi suất dưới 8% một năm; 10,4% phát hành với lãi suất 8-9%; 43,5% phát hành với lãi suất 9-11% và có 6,7% trái phiếu phát hành với lãi suất trên 11%.

Đáng lưu ý, có 5 doanh nghiệp phát hành TPDN với lãi suất cao nhất là 13% một năm, gồm Công ty cổ phần bất động sản Phát Đạt với giá trị phát hành 1.380 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tiki với 1.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương với 4.670 tỷ đồng, Công ty cổ phần Hoa Phú Thịnh với 3.130 tỷ đồng và Công ty cổ phần Tập đoàn APEC Group với 43,6 tỷ đồng.

Phân loại theo lĩnh vực, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, và thương mại, dịch vụ có mức lãi suất phát hành cao nhất thị trường với 10,53%, 10,51% và 10,19%. Với các tổ chức tín dụng, lãi suất phát hành bình quân là 4,33%, thấp hơn mức bình quân chung toàn thị trường.

Về kỳ hạn, kỳ hạn phát hành bình quân năm 2021 là 3,76 năm, giảm 0,45 năm so với năm 2020. Về cơ cấu kỳ hạn, có 61,3% trái phiếu phát hành với kỳ hạn 3-5 năm; 14,6% có kỳ hạn trên 5 năm, 2% có kỳ hạn trên 10 năm.

Trong đó, doanh nghiệp xây dựng có kỳ hạn phát hành bình quân 5,71 năm, doanh nghiệp sản xuất là 4,63 năm, tổ chức tín dụng là 3,96 năm, doanh nghiệp bất động sản là 3,44 năm.

Theo Bộ Tài chính, tài sản đảm bảo của nhóm doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của chính doanh nghiệp. Điều này tiềm ẩn rủi ro tài sản đảm bảo có thể không đủ để trả nợ gốc và lãi trái phiếu nếu thị trường bất động sản khó khăn

Kiến Minh