Đến lần thứ 9, chiếc máy bay ATR thanh lý đã có người tham gia đấu giá và mua với giá hơn 136 tỷ đồng. Được biết, loại máy bay nhỏ sử dụng cánh quạt này thường sử dụng ở những sân bay có đường băng nhỏ như Côn Đảo, Điện Biên,…

con dao may bay ATR vn airlines 717991495
Trước đây, máy bay ATR 72 từng được Vietnam Airlines thuê để vận chuyển hành khách ra Côn Đảo. (Ảnh: Ovu0ng/Shutterstock)

Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Hà Nội ngày 10/4 đã tổ chức đấu giá chiếc máy bay ATR 72-500 số hiệu sản xuất 925 do Công ty cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) ủy quyền, theo VOV Giao thông.

Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, với giá khởi điểm 136,6 tỷ đồng (tương đương 5,6 triệu USD theo tỷ giá quy đổi 24.400 đồng/USD), chưa bao gồm thuế và phí.

Kết thúc phiên đấu giá, đại diện VALC và bên tham gia tiết lộ đã đấu giá thành công chiếc máy bay. Giá bán xung quanh mức giá khởi điểm (136,6 tỷ đồng).

Máy bay ATR 72-500 được sản xuất vào năm 2010, có 68 ghế ngồi, đang được VALC cho Vietnam Airlines thuê khai thác.

Được biết, đây là lần thứ 9 VALC đấu giá chiếc máy bay ATR 72-500 MSN 925. Khách muốn đấu giá phải đặt trước 6,8 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, ATR-72 chủ yếu được Vietnam Airlines, VASCO khai thác trên các chặng bay tới các sân bay nhỏ như Côn Đảo, Điện Biên. Tuy vậy, Vietnam Airlines cũng đã lên kế hoạch thay thế đội máy bay này bằng tàu bay phản lực khu vực để tối ưu dịch vụ và cạnh tranh hơn.

Hiện có 5 hãng hàng không nội địa cùng tham gia thị trường vận tải hành khách gồm: Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Vasco, Vietjet Air và Bamboo Airways. Tuy nhiên, chỉ có VALC hoạt động trong lĩnh vực cho thuê máy bay.

Công ty VALC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập vào tháng 9/2007 với số vốn điều lệ 640 tỷ đồng. Doanh nghiệp ra đời trên cơ sở góp vốn của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Vietnam Airlines (30%); BIDV (20%); PVN (17%); Vinashin (11%); Tổng Công ty Phong Phú (8%) và 14% còn lại dành cho cổ đông phổ thông.

Tuấn Minh