Dư nợ cho vay tiêu dùng tính đến ngày 31/8 đạt gần 135.950 tỷ đồng, giảm khoảng 65.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, một phần nguyên nhân bởi các công ty hạn chế mở rộng khi tình trạng xuất hiện hội nhóm “bùng nợ” tăng.

F88 cong ty f88 the gioi di dong
(Ảnh minh họa: dẫn qua Đất Linh/Facebook)

Tại Hội thảo về tín dụng hôm 31/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết tính đến ngày 31/8, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống (cho vay tiêu dùng) của 16 công ty tài chính là gần 135.950 tỷ đồng (chiếm hơn 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng), báo Vnexpress đưa tin.

Con số này cuối năm 2022 là hơn 200.000 tỷ đồng, tương ứng mức giảm hơn 30% (khoảng 65.000 tỷ đồng).

Ông Hùng cho hay thực trạng nợ xấu của các công ty tài chính đang tăng cao, dẫn đến nợ xấu của nhóm này tăng mạnh, trung bình từ 8% – 10% (thậm chí có công ty tới 20% nợ xấu).

Theo thống kê của FiinGroup, nợ xấu của nhóm công ty tài chính đã tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023.

Theo ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Mcredit, nguyên nhân của tình trạng này ngoài kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động giảm còn do các công ty tài chính bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen, khách hàng cố tình bùng nợ.

Trên các nền tảng mạng xã hội, số hội nhóm tư vấn “bùng nợ”, “trốn nợ” có hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn thành viên.

Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, hình thức hoạt động của tội phạm tín dụng đen hiện nay là tạo lập ứng dụng, website giả mạo có logo, tên gọi địa chỉ truy cập gần giống với các ứng dụng của ngân hàng, công ty tài chính chính thống được cấp phép để từ đó lôi kéo người vay.

Khoản vay thường có giá trị nhỏ (1-3 triệu đồng), nhưng cộng lãi suất với các khoản phí, số tiền người vay phải trả rất cao. Người tiêu dùng có xu hướng đánh đồng các công ty tài chính chính thống với những ứng dụng này.

Tuấn Minh