Cùng chung phương thức niêm yết SPAC, diễn biến cao trào giá của cổ phiếu VinFast (VFS) và HKD có nhiều điểm tương đồng khiến giới phân tích chứng khoán cảnh báo về nguy cơ sụp đổ.

vinfast dung san xuat o to xang vinfast 100 san xuat o to dien vinfast mo nha may tai My
Dây chuyền Nhà máy sản xuất ô tô VinFast Hải Phòng. (Nguồn: haiphong.gov.vn)

Cổ phiếu VFS chính thức được niêm yết trên sàn Nasdaq vào ngày 15/8 thông qua việc hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co. – một công ty SPAC (hay còn được gọi là công ty rỗng).

Trong hai tuần đầu, giá cổ phiếu VFS đã tăng 688% so với mức giá đóng cửa của ngày giao dịch đầu tiên, đẩy mức vốn hóa của VinFast lên đứng thứ 3 toàn cầu, vượt xa Ford, GM, chỉ đứng sau Toyota và Tesla. Sự kiện đã gây “ngạc nhiên” giới đầu tư tài chính quốc tế cũng như các cộng đồng sản xuất, đánh giá, tiêu thụ xe hơi.

Bước sang tuần giao dịch thứ 3, cổ phiếu VFS liên tục chìm trong sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu VFS của VinFast Auto được giao dịch ở mức 29,5 USD/cổ phiếu – giảm 15,02% so với ngày 31/8 với thanh khoản đạt 7,34 triệu đơn vị. Qua đó, xác lập ngày giảm mạnh thứ 4 liên tiếp.

Trong phiên giao dịch sau giờ đóng cửa thị trường chính thức (after-hours trading), cổ phiếu VFS tiếp tục giảm thêm hơn 4%.

Như vậy, kết thúc tuần giao dịch thứ ba trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS đã giảm hơn 64%. Với mức thị giá hiện tại, tổng giá trị vốn hoá thị trường của hãng xe điện VinFast Auto hiện chỉ còn gần 68,5 tỷ USD, “bốc hơi” hơn 122 tỷ USD sau 1 tuần giao dịch.

co phieu VFS vinfast
Giá trị vốn hoá thị trường của hãng xe điện VinFast hiện ở mức 68,49 tỷ USD.
(Nguồn: Yahoo Finance)

Giảm giá là hiện tượng thường xảy ra với các công ty niêm yết thông qua phương thức SPAC. Theo dữ liệu của Bloomberg, các công ty niêm yết của SPAC sẽ điều chỉnh giảm giá chỉ sau vài ngày. Đối với VFS thì thời gian này đã diễn ra dài hơn.

Về diễn biến giá VFS trên thị trường, Tạp chí Công thương Điện tử đã đưa ra cảnh báo của chuyên gia phân tích tài chính quốc tế. Có chăng bài học sụp đổ của HKD năm ngoái sẽ lặp lại với VFS?

Theo đó, Cổ phiếu HKD của AMTD Digital Inc. đã mất hơn 99% sau khi tăng không tưởng 32.000% chỉ trong vòng vài tuần kể từ thời điểm niêm yết trên sàn NYSE (Mỹ) hồi tháng 7/2022.

Trước đó, giá trị vốn hoá của AMTD Digital Inc. vượt các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới như JPMorgan Chase & Co. hay Golman Sachs.

Tạp chí Công thương Điện tử chỉ ra 2 điểm chung giữa Cổ phiếu HKD của hãng AMTD Digital Inc. và Cổ phiếu VFS của VinFast Auto, bao gồm:

1) lượng cổ phiếu tự do giao dịch (free-float) ở mức rất thấp;

2) thị giá cổ phiếu được đẩy lên quá cao trong khoảng thời gian ngắn trong khi tình hình kinh doanh của công ty kém tích cực hoặc thua lỗ.

Trong tổng số 191,4 triệu cổ phiếu HKD được lưu hành thì chỉ có 25,6 triệu cổ phiếu free-float. Theo hãng tin Reuters, đối với VinFast Auto thì lượng free-float là khoảng 4,5 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS được lưu hành.

Thông thường, các cổ phiếu có tỷ lệ free float nhỏ sẽ có chênh lệch giá mua – bán rộng, dễ xảy ra các biến động. Ngược lại, các cổ phiếu có tỷ lệ free float lớn thường có biến động giá ít hơn do các nhà đầu tư tự do chuyển nhượng lớn, tính thanh khoản cao. Theo đánh giá, một nhà đầu tư chỉ cần mua hoặc bán từ 50.000 – 100.000 cổ phiếu VFS là đã đủ để cổ phiếu này biến động mạnh.

Một số chuyên gia cảnh báo, việc cổ phiếu VFS tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua không hoàn toàn đến từ kỳ vọng hay kết quả kinh doanh của VinFast Auto mà đến từ tâm lý “mua đuổi” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ – những người vốn ưa thích cổ phiếu các hãng xe điện như trường hợp đã từng xảy ra với cổ phiếu của hãng xe điện Tesla. Đồng thời, giới đầu cơ, đặc biệt là phe bán khống (short seller) cũng xuất hiện trong sự biến động của cổ phiếu VFS.

Do đó, khi động lực “mua đuổi” và giới đầu cơ “chốt lời” thì mức thị giá cao của cổ phiếu VFS có thể sẽ sụp đổ. Khối lượng giao dịch trung bình ngày của cổ phiếu VFS thường xuyên cao hơn từ 2 – 3 lần khối lượng free-float cũng cho thấy các nhà giao dịch đang “quay vòng” cổ phiếu này rất nhanh.

Tuy nhiên, Tạp chí Công thương Điện tử cũng cho rằng trường hợp của VinFast Auto và AMTD Digital Inc. không hoàn toàn tương đồng. Về hoạt động kinh doanh, AMTD Digital Inc. là một hãng dịch vụ tài chính ít tên tuổi, xa lạ với ngay cả tại nơi thành lập – Hồng Kông (Trung Quốc). Trong khi đó, VinFast Auto nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup – tập đoàn đa ngành hàng đầu ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, VinFast Auto đang có những kế hoạch kinh doanh về sản xuất và phân phối xe điện trên toàn cầu, bao gồm việc vừa tiến hành khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tại tiểu bang North Carolina (Mỹ) với vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD cho giai đoạn 1 và xây dựng nhà máy sản xuất pin trị giá 275 triệu USD tại Việt Nam.

Hoàng Mai (t/h)