Việt Nam được xác định là một điểm đến được nhiều sự quan tâm của ngành thời trang thế giới, tuy nhiên để bắt kịp thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay được đánh giá là “khó chồng khó”.

r det may viet nam gap kho truoc tieu chuan xanh cua cac nuoc phat trien
Nhà sản xuất Việt Nam đối mặt các loại tiêu chuẩn xanh của EU, Mỹ, Nhật,… và nhu cầu giảm mạnh. (Ảnh: (Ảnh: moit.gov.vn)

Ngày 1/12, truyền thông trong nước đưa tin Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Công ty cổ phần Global PR Hub tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may trên lộ trình tăng trưởng xanh”.

Tại hội thảo, nhiều thách thức trong chuyển đổi xanh của ngành dệt may Việt Nam được đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đưa ra cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) và chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD).

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam – VITAS) cho biết hiện nay Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Song, các FTA thế hệ mới đặt ra thách thức cho doanh nghiệp khi yêu cầu khắt khe về sản xuất xanh, bền vững.

Đáng chú ý, hơn 80% doanh nghiệp dệt may thuộc nhóm vừa và nhỏ, do đó đa số thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, đáp ứng các quy định phức tạp như LEED, thẩm định chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc.

Bà Mai cho rằng dù khó khăn, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu, không thể không đi nếu các doanh nghiệp dệt may muốn tồn tại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cuộc chơi chúng ta không có quyền lựa chọn.

Tương tự, bà Huyền Như (Business scout – quản lý dự án chuỗi cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức – AHK) nhận định các hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều ưu thế cho dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, để có được những thuận lợi EVFTA mang lại, doanh nghiệp không chỉ phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về xanh hóa mà còn về phát triển bền vững như bảo vệ lao động hay thực hiện trách nhiệm xã hội.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thanh Nga  (quản lý dự án dệt may xanh bền vững, WWF Việt Nam) chia sẻ về việc một doanh nghiệp sau khi được WWF vẽ lộ trình thực hiện chuyển đổi sử dụng hệ thống xử lý nước thải tiết kiệm nguồn nước đã hào hứng đầu tư. Tuy nhiên, dự án này phải dừng giữa chừng bởi doanh nghiệp không có đơn hàng, không đủ nước thải cho hệ thống chạy.

Hiện nay, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng đang ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu nhà cung cấp áp dụng các biện pháp thực hành xanh. Việt Nam được xác định là một điểm đến được nhiều sự quan tâm của ngành thời trang thế giới, tuy nhiên để đón sóng thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay được các diễn giả đánh giá “khó chồng khó”.

Xanh hóa ngành dệt may là xu hướng thay thế thời trang nhanh

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước thứ hai thế giới và chiếm từ 8 – 10% lượng khí carbon phát thải. Trong đó thời trang nhanh (fast fashion) được coi là đối  tượng gây ô nhiễm nhiều nhất.

Thời trang nhanh thuộc phân khúc giá rẻ, bình dân với đặc tính “mua nhanh, mặc nhanh, bỏ nhanh”. Quần áo giá rẻ nhưng cái giá cho môi trường lại quá đắt khi những nguyên liệu polyester – loại sợi có nguồn gốc từ than đá, dầu mỏ và ethylene có thể thải ra môi trường hơn 706 triệu tấn khí CO2 mỗi năm.

Mặt khác, loại sợi polyester này cũng phân hủy một phần trong nước tạo thành các vi nhựa xả vào môi trường nước, gây ô nhiễm và tác động đến hệ sinh thái động thực vật. Ngay cả khi những sản phẩm quần áo từ sợi polyester đã hết vòng đời sử dụng, chúng cũng cần ít nhất vài thập kỷ, thậm chí vài trăm năm để phân hủy.

Trước sự đe dọa của thời trang nhanh đến môi trường, hàng loạt nhãn hàng nổi tiếng đã cam kết sử dụng một phần sợi tái chế trong các sản phẩm của mình, hướng đến cuộc cách mạng từ thời trang nhanh sang thời trang xanh.

Theo đó, thương hiệu H&M đã đầu tư vào công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra chất liệu sợi polyester thân thiện với môi trường được tái chế từ các rác thải trên biển.

Còn nhãn hàng Adidas đang thử nghiệm thiết bị tự động hóa để giảm bớt gánh nặng cho nhân công. Hay Ralph Lauren tuyên bố rằng sẽ sử dụng 100% nguyên liệu chính có nguồn gốc bền vững vào năm 2025 để bảo vệ sức khỏe cho nhân công cũng như vì yếu tố môi trường.

Trong bối cảnh trái đất đang ngày càng nóng lên, cả thế giới cũng đang gấp rút với chạy đua Net Zero, đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua này.

Tại Hội nghị COP 26, Chính phủ Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó một số giải pháp cụ thể được đưa ra là không xây dựng mới nhà máy điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải mêtan vào 2030 so với mức 2020.

Với ngành dệt may, VITAS đặt mục tiêu đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Một trong những hạn chế lớn nhất là dệt may Việt Nam nhập khẩu vải từ Trung Quốc

Vải nhập khẩu của Việt Nam hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc. Quốc gia này là nhà cung cấp vải lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Cụ thể trong tháng 8/2023, nhập khẩu vải các loại từ Trung Quốc đạt hơn 695 triệu USD, tăng 15,4% so với tháng 7/2023. Đây là hạn chế lớn nhất.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ cho biết, cả hai ngành công nghiệp bông và polysilicon ở Tân Cương đều bị nghi ngờ tồn tại vấn đề lao động cưỡng bức. Đạo luật “Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ” yêu cầu các nhà nhập khẩu Mỹ chứng minh rằng các mặt hàng từ Tân Cương không được sản xuất thông qua lao động cưỡng bức.

Tờ Wall Street Journal đưa tin nhiều công ty kiểm toán phương Tây đã ngừng điều tra lao động cưỡng bức ở Tân Cương, các hạn chế của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người ngoài vào Tân Cương cũng đã gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu Mỹ. Các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây đưa tin, rằng hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung, và nhiều người bị ngược đãi như lao động cưỡng bức, v.v.

Hiện tại, Đạo luật “Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động Người Duy Ngô Nhĩ” đã có tác động đáng kể đến ngành công nghiệp bông vải của Tân Cương, đồng thời cũng ảnh hưởng liên đới đến ngành dệt may khổng lồ của Trung Quốc.

Khoảng 90% bông của Trung Quốc, chiếm khoảng 25% sản lượng toàn cầu, được sản xuất ở Tân Cương.

Mỹ và phương Tây là những khách hàng lớn đối với hàng may mặc xuất khẩu của Trung Quốc, một số lệnh trừng phạt và lệnh cấm đối với hàng nhập khẩu liên quan đến Tân Cương đã có kết quả. Từ tháng 9/2021 đến tháng 4/2022, Mỹ chiếm 22% trong tổng số 106 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc. Nếu các nhà máy dệt Trung Quốc muốn giữ khách hàng phương Tây, họ chỉ có thể từ bỏ bông Tân Cương.

Bảo Khánh (t/h)