Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm sụt giảm hơn 10% trong quý 3, ước tính đạt 52.900 tỷ đồng. Điều này là hệ quả của việc sau hàng loạt thông tin tiêu cực của người dân phản ánh như: bị ép mua bảo hiểm, tư vấn sai lệch của một số ngân hàng dẫn đến từ gửi tiết kiệm sang đầu tư bảo hiểm,…

ngan hang bao hiem bo tai chinh hop dong bao hiem
Người dân nhiều nơi tố cáo ngân hàng và công ty bảo hiểm tư vấn sai lệch về hợp đồng bảo hiểm. (Ảnh minh họa: Vietnamfinance.vn)

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) quý 3 ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ 2022.

Trong 9 tháng của năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm gần 7%.

Mức giảm doanh số của thị trường chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ (mảng này đang chiếm 70% doanh thu toàn thị trường).

Nửa đầu năm nay, mảng phi nhân thọ vẫn tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2022, còn tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm hơn 6.700 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu ngành ghi nhận lãi sau thuế 6 tháng đầu năm giảm từ 30% đến 40%.

Nhiều năm qua thị trường bảo hiểm nhân thọ phân phối qua ngân hàng không được quản lý chặt chẽ, do đó hàng loạt vụ việc người dân tố cáo bị ép mua bảo hiểm khi đi vay tín dụng hoặc bị lừa mua bảo hiểm đầu tư thay vì gửi tiết kiệm, v.v…

Hồi tháng 6, Quốc hội Việt Nam yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Bộ Tài chính cho biết đã và đang thực hiện các cuộc thanh tra với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp với ngân hàng.

Sau khủng hoảng xuất phát từ kênh phân phối qua ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động lựa chọn cách chấn chỉnh lại hoạt động, chính sách kênh đại lý truyền thống và qua ngân hàng.

Đức Minh