Nhóm các quốc gia G7 (gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ) đã cam kết tiến tới mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% áp dụng với các doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi quốc tế.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, bà Janet Yellen đã công bố thỏa thuận này vào thứ Bảy (ngày 5/6) và ca ngợi đây là một “cam kết chưa từng có” giúp “chấm dứt cuộc đua hạ thấp chuẩn mực thuế doanh nghiệp”. Thông báo được đưa ra sau khi người đừng đầu các cơ quan tài chính của mỗi quốc gia gặp nhau tại London.

Bà Yellen cho biết: “Mức thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ giúp nền kinh tế thế giới phát triển mạnh, bằng cách san bằng sân chơi cho các doanh nghiệp và khuyến khích các quốc gia cạnh tranh dựa trên những nền tảng tích cực, chẳng hạn như giáo dục và đào tạo lực lượng lao động của chúng ta hoặc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và cơ sở hạ tầng.”

Nhóm các quốc gia G7 đến từ những nền kinh tế lớn nhất thế giới gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Tổ chức này cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực nhằm “giải quyết các thách thức về thuế phát sinh từ vấn đề toàn cầu hóa và số hóa nền kinh tế cũng như áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu.”

G7 cam kết “đạt được một giải pháp công bằng về phân bổ quyền đánh thuế, trong đó các quốc gia trên thị trường được trao quyền áp dụng thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá mức tỷ suất sinh lời 10% của các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất.”

Tin tức này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ tuyên bố vào tháng trước rằng 15% sẽ là mức sàn cho các cuộc đàm phán về mức thuế tối thiểu toàn cầu với các quốc gia khác. Con số 15% lần đầu tiên được đề xuất đối với các nhà đàm phán từ hơn 20 quốc quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); con số này thấp hơn so với dự đoán.

Sau cuộc họp vào tháng 5 của OECD, chính quyền Biden cho biết các đại diện Hoa Kỳ tham dự những cuộc đàm phán về thuế đã nhấn mạnh với các bên khác “rằng các cuộc thảo luận nên duy trì [tính] tham vọng và đẩy tỷ lệ đó lên cao hơn”.

Con số 15% được G7 đồng ý vẫn cao hơn mức thuế doanh nghiệp của một số quốc gia, trong đó có Ireland, với tỷ lệ 12,5%. Hungary, quốc gia chỉ đánh 9% thuế doanh nghiệp, đã tỏ ra ngần ngại trước khái niệm về mức thuế tối thiểu toàn cầu.

Để mức thuế 15% có hiệu lực trên toàn thế giới, các chi tiết của kế hoạch vẫn cần được điều chỉnh thêm và cần thông qua nhóm các nền kinh tế lớn (G20), đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Ý, ông Daniele Franco, cho biết ông muốn mở rộng cuộc thảo luận về mức thuế 15% khi các bộ trưởng tài chính thuộc nhóm G20 họp mặt vào tháng 7 tại đất nước của ông.

Các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ hiện phải trả mức thuế suất 21%. Chính quyền Biden đã đề xuất tăng mức thuế nội địa từ 21% lên 28% như một biến pháp để tài trợ cho gói cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ đô la của mình. Mặc dù Tổng thống Joe Biden gần đây đã đề xuất cho Đảng Cộng hòa một gói cơ sở hạ tầng thu gọn với mức thuế giữ nguyên là 21%. Tuy nhiên, chính quyền nói rằng họ vẫn sẽ tìm cách tăng tỷ lệ này trong các đạo luật riêng biệt.

Vy An (Theo Washington Examiner)

Xem thêm: