Thời gian sau giãn cách xã hội do bùng phát dịch COVID-19, nhiều chi phí nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng gia tăng. Điều này dẫn đến giá cả hàng hóa Tết có thể chịu áp lực lớn và doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán, mặc dù nhu cầu năm nay lại không cao.

tet co truyen
Gói bánh chưng trong tết cổ truyền. (Ảnh minh họa: Dang Xuan Hung/ Shutterstock)

Theo Zing, Ông Trương Hải Hấu, Giám đốc Công ty TNHH Bánh Pía – Lạp xưởng Hải Sơn ở Sóc Trăng cho biết, sức tiêu thụ của thị trường bánh, mứt Tết Nguyên đán 2022 có thể giảm 15-20% so với năm trước, trong khi giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng cao. “Năm trước đường khoảng 15.000 đồng/kg thì hiện nay 19.700 đồng. Đường cát làm bánh, mứt cũng có lúc tăng lên 21.000 đồng/kg. Dầu thực vật tăng từ 500.000-600.000 đồng lên 900.000 đồng/can 30 lít. Bột mì năm trước hơn 11.000 đồng, năm nay tăng lên hơn 14.000 đồng/kg nhưng bánh chỉ tăng 2.000 đồng/hộp 4 cái”, ông Hấu chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Lương Văn Đông, đại diện cơ sở sản xuất lạp xưởng Quãng Trân nổi tiếng ở miền Tây cho biết nhiều tháng nay đơn vị chủ yếu bán hàng online vì thị trường chợ truyền thống ế ẩm, chỉ đạt 30% so với trước đây.

“Giá thành sản xuất lạp xưởng tăng khoảng 15% nhưng chúng tôi không thể nâng giá bán vì dịch bệnh, người dân không còn nhiều tiền. Lạp xưởng tôm rất ngon nhưng bán online không được nên tạm dừng sản xuất mặt hàng này”, ông Lương Văn Đông nói.

Giá các loại nguyên vật liệu đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp thực phẩm tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp. Theo Vneconomy, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), cho biết giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 20 – 30%, nguồn nguyên liệu trong nước cũng tăng từ 10 – 15% so với trước khi dịch COVID lần thứ 4 bùng phát.

Các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền, các loại gia vị, bánh kẹo,… sẽ không thể giữ ổn định giá đầu ra mãi khi giá nguyên liệu chính là bột mỳ (chiếm 70 – 80% giá thành sản xuất) đang tăng.

Giá xăng dầu và giá gas (có ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp) tuy được điều chỉnh giảm ở thời gian gần đây, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao so với thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc tạo thêm áp lực tính vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vẫn phải duy trì test COVID-19 cho lao động, đây cũng là chi phí không nhỏ. Bên cạnh đó, các nhà máy phải thực hiện công tác phòng, chống dịch, một số nhà máy thực hiện 3 tại chỗ khiến chi phí sản xuất tăng, chi phí vận chuyển, lưu thông cũng tăng do phát sinh các chi phí về xét nghiệm… kéo theo giá các hàng hóa có xu hướng tăng theo.

Hồi tháng 11, Vneconomy từng đưa tin, các chuyên gia kinh tế đã dự báo áp lực tăng giá trong 2 tháng cuối năm 2021 là rất lớn vì nguyên liệu đầu vào của tất cả các khâu từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến chi phí vận chuyển, logistics, xăng dầu… trong nước đều tăng mạnh.

Quang Minh (t/h)

Xem thêm: