Theo thông tin gần đây từ Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn xăng dầu đang tồn dư hơn 7.400 tỷ đồng. Trong khi đó, 5 lần điều chỉnh giá gần đây (trong 2 tháng) các mặt hàng xăng dầu đều tăng giá nhưng Quỹ bình ổn này lại không được chi ra để “hạ nhiệt” như chức năng vốn có.

gia xang dau scaled
Với mỗi lít xăng dầu mua, người dân phải đóng thêm vào Quỹ bình ổn khi liên Bộ thông báo trích tiền. (Ảnh: Charnpui/Shutterstock)

Theo cập nhật tính tới ngày 1/7/2023 của Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn xăng dầu tại các doanh nghiệp đang tồn dư hơn 7.400 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh xăng dầu liên tục tăng trong 5 lần điều chỉnh gần đây (2 tháng qua).

Theo ghi nhận của Trí Thức VN, tính từ kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay, giá xăng tăng liên tiếp 5 lần, tương ứng với mức tăng gần 3.000 – 3.200 đồng/lít tuỳ loại.

Tuy vậy, liên Bộ Công thương – Tài chính lại không sử dụng Quỹ bình ổn để hạ nhiệt các mặt hàng này. Liệu Quỹ bình ổn có thực hiện chức năng “bình ổn”?

Chưa thể xác định rõ nguyên nhân cơ quan điều hành nói trên không chi quỹ ra. Bản chất sự hình thành của quỹ là do đóng góp của người mua xăng dầu trên cả nước và gửi tại tài khoản ngân hàng riêng biệt của doanh nghiệp.

Nhiều lần các Đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế chất vấn về sự minh bạch của Quỹ này, cách thức chi – thu ra sao thì liên Bộ vẫn chưa đưa ra câu trả lời theo yêu cầu “minh bạch”.

Không ít lần các kiến nghị gửi lên với mục tiêu đưa thị trường xăng dầu trong nước phản ánh đúng thực tế của thị trường bằng cách bỏ Quỹ bình ổn.

Dường như theo quán tính, Bộ Tài chính lặp lại câu trả lời rằng đây là công cụ để điều tiết thị trường của Nhà nước, rất quan trọng và chưa thể bỏ.

Điều hành Quỹ bình ổn khiến thị trường ngày càng “bất ổn”?

Ở góc độ quản lý vĩ mô, cách nói như trên cũng không sai nhưng thực tế quản lý cho thấy quỹ này không bình ổn mà còn góp phần làm thị trường khó kiểm soát, tăng giảm bất hợp lý.

Chia sẻ với báo Giao Thông, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết Quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động theo cơ chế trích lập trong giá (thu của dân thông qua giá bán mỗt lít xăng dầu) một khoản tiền để hình thành quỹ và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá trong nước tăng cao.

Theo ông Thỏa, việc sử dụng quỹ này đã lộ rõ những sai lầm nghiêm trọng trong điều hành.

Trong 2 năm qua, rất nhiều ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo tờ Thanh Niên.

Trong kiến nghị gửi Chính phủ, nhóm 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM khẳng định Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang không hỗ trợ nền kinh tế, không có ích cho người tiêu dùng và gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, giữa nhà bán buôn và bán lẻ.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị bỏ quỹ này để xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.

Trọng Minh