Hôm thứ Tư (14/6), ông Bob Pickard, người đứng đầu bộ phận truyền thông toàn cầu tại Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), tuyên bố từ chức. Ông cáo buộc ngân hàng này là công cụ của Bắc Kinh, và Canada không có lợi khi gia nhập. 

shutterstock 569848246
AIIB tại Bắc Kinh. (Nguồn: humphery/ Shutterstock)

Ông Pickard, giám đốc điều hành người Canada, tweet rằng AIIB có trụ sở tại Bắc Kinh, được thành lập vào năm 2016, tài trợ cho đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác, nhằm hỗ trợ phát triển trên khắp châu Á, nhưng kỳ thực ngân hàng này lại do các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát.

Ông Pickard viết trên Twitter rằng là một người Canada yêu nước, từ chức là điều duy nhất ông có thể làm. Ông không nghĩ việc gia nhập AIIB sẽ mang lại lợi ích cho Canada.

Canada đã gia nhập AIIB vào năm 2017, đầu tư 995 triệu USD và giành được 1% cổ phần, cùng với Bỉ và Ireland trở thành những quốc gia phương Tây đầu tiên gia nhập AIIB.

Kể từ đó, ngân hàng này đã phát triển lên hơn 100 thành viên, với các khoản đầu tư lớn từ Đức, Hàn Quốc và Úc, mỗi bên nắm giữ từ 3% – 5% cổ phần. Tuy nhiên đến nay, Bắc Kinh vẫn là cổ đông lớn nhất, kiểm soát hơn 1/4 cổ phần cổ phiếu. Nhật Bản và Hoa Kỳ không phải là nước thành viên.

Tờ Globe and Mail đưa tin rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với AIIB khiến ngân hàng này được coi là công cụ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Điều này đã khiến một số người Canada kêu gọi Ottawa rút khỏi AIIB, đặc biệt là khi quan hệ Canada-Trung Quốc trở nên xấu đi.

Năm 2021, lãnh đạo Đảng Bảo thủ (bảo lưu và thủ giữ truyền thống) lúc bấy giờ là ông Erin O’Toole đã thúc giục Thủ tướng Justin Trudeau hủy khoản thanh toán 40 triệu USD cho ngân hàng này, vì hai người Canada Michael Spavor và Michael Kovrig đang bị ĐCSTQ giam giữ phi pháp.

Trong một báo cáo tóm tắt năm 2019 do Global Affairs Canada (Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada) chuẩn bị, cơ quan này đã đặt AIIB cùng danh sách với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Báo cáo cho biết, cả hai đều nhằm mục đích tận dụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, để giành ảnh hưởng trong khu vực và xuất khẩu mô hình quản trị của ĐCSTQ ra nước ngoài.

Ông Pickard làm việc tại AIIB 15 tháng, tweet rằng ông đã mất nhiều tháng để nhận ra rằng ngân hàng này bị kiểm soát bởi “tin tặc ĐCSTQ”. Họ giống như bộ máy cảnh sát mật từ bên trong như KGB của Liên Xô, Gestapo của Đức Quốc xã hoặc Stasi của Đông Đức thời Cộng sản.

Ông viết trên Twitter rằng người dân phương Tây không được phục vụ với tư cách là một thành viên trong AIIB. Ông đã tận mắt chứng kiến ​​mức độ các tin tặc ĐCSTQ chiếm giữ các vị trí quan trọng tại ngân hàng.

Trong một tuyên bố gửi qua email, AIIB cho biết những bình luận và mô tả công khai gần đây của ông Pickard về họ là vô căn cứ và đáng thất vọng. Họ cũng xác nhận Pickard đã từ chức giám đốc truyền thông của ngân hàng mà ông đảm nhiệm kể từ tháng 3/2009.

Một hồ sơ của ông Pickard hiện đã bị xóa trên trang web của AIIB nói rằng ông là người phát ngôn chính thức của AIIB, được giao nhiệm vụ tăng cường nhận thức và hiểu biết đối nội và đối ngoại về AIIB, cũng như các hoạt động và sứ mệnh của ngân hàng này.

Việc ông Pickard từ chức diễn ra trong bối cảnh ĐCSTQ đang siết chặt sự kìm kẹp đối với Trung Quốc, và thúc đẩy ngành công nghiệp tư nhân phải tuân theo các kế hoạch phát triển của đảng này.

Ông Pickard hiện đang ở Nhật Bản, cho biết ông đã hoãn tuyên bố từ chức cho đến khi rời Trung Quốc vì sợ bị bắt.

Hoa Kỳ và các chính phủ khác đã cảnh báo công dân của họ về nguy cơ cao bị giam giữ tùy tiện hoặc ngăn cản rời khỏi Trung Quốc.