Doanh nghiệp cho biết chi phí vận tải (logistics) của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Nhiều người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam cũng thấy rõ khi giao hàng nội địa cước phí rất cao, còn đặt hàng từ nước ngoài về thì giá giao – nhận chỉ bằng khoảng một nửa hay thấp hơn vài lần.

baochinhphu4
Chi phí vận tải đường bộ ở Việt Nam cao vì phải gánh chịu nhiều loại thuế, phí cầu đường, trạm BOT,… (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Tại buổi Hội nghị Logistics 2023 hôm 5/10, bà Phạm Thị Bích Huệ – Chủ tịch Công ty Western Pacific cho hay hiện chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác, theo Tuổi Trẻ.

Trong khi chi phí vận tải chỉ chiếm 30 – 40% tổng chi phí logistics. Theo chủ tịch Western Pacific, đây là con số rất lớn.

Nguyên nhân là bởi quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ – đây là một trong những điểm yếu lớn nhất. Cùng với đó, quy hoạch hạ tầng tại địa phương thiếu tính đặc thù, không tận dụng tốt thế mạnh của từng vùng, miền.

Ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping đánh giá hàng hóa tới Việt Nam chỉ đi qua các khu vực trung tâm, cảng chính nên phải vận chuyển trên bộ quãng đường dài, chi phí cao,… Doanh nghiệp rất ít lựa chọn khác, báo Việt Nam Net đưa tin.

Bên cạnh đó, dù có các cảng biển khác như: Long An, Phú Yên, Quảng Nam,… nhưng chưa phát triển hạ tầng nên doanh nghiệp cũng khó sử dụng.

Ở lĩnh vực mua hàng trực tuyến, chi phí giao – nhận cho thấy sự khác biệt rõ khi người mua đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam có cước phí rẻ hơn nhiều lần so với giao hàng nội địa.

Lấy ví dụ, một đơn hàng nón trẻ em mua từ người bán hàng Trung Quốc, giá vận chuyển về tới tay khách tại Hà Nội là 15.000 đồng. Cũng một đơn hàng tương tự, nếu mua từ TP.HCM thì người mua phải trả khoản phí lên tới gần 30.000 đồng.

Điều này trực tiếp làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với quốc gia lân cận.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Ratraco cho biết lý do khiến phí vận chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam rẻ hơn, và có thể đi kèm với thời gian vận chuyện ngắn hơn. Đầu tiên là do tổ chức hoạt động cung ứng logistics của thị trường Trung Quốc rất khác Việt Nam.

Ông Hùng lý giải chi phí logistics thương mại điện tử ở Việt Nam cao là do tính tập trung và sản lượng của thị trường vẫn thấp. Vì các nhà bán hàng Việt Nam có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các nhà bán hàng Trung Quốc.

Theo vị này, tại Trung Quốc có các trung tâm chia chọn để xử lý lượng đơn hàng lên tới 10.000, 20.000 đơn mỗi giờ. Thị trường Việt Nam cũng đã có một vài trung tâm xử lý được 12.000 đơn/giờ, nhưng ít có nhà bán hàng nào đạt được quy mô lớn như vậy.

Tuấn Minh (t/h)