Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất quy định niên hạn đối với ô tô tập lái và sát hạch, nguyên nhân bởi nhiều nơi đào tạo lái xe sử dụng ô tô cũ nát, lâu năm nên khi lưu thông trên đường có thể gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.

xe sat hach quy dinh nien han xe tap lai va xe sat hach trung tam dao tao lai
Bộ GTVT muốn quy định niên hạn ô tô tập lái và sát hạch để loại bỏ bớt các xe cũ nát, gây mất an toàn. (Ảnh minh họa: dongnai.gov.vn)

Tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2016, Bộ GTVT đề xuất quy định niên hạn đối với ô tô tập lái và sát hạch. Theo đó, xe tập lái hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất). Xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn tối đa từ 17-25 năm, báo Giao Thông đưa tin.

Ông Lại Thế Chất, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ Thành Đạt (Hà Nội) cho hay nhiều trung tâm sử dụng xe sát hạch cũ nát, tuổi đời trên 20 năm, trong khi học viên phải thuê với giá rất đắt, lên đến 350.000 đồng/giờ, chất lượng dịch vụ không tương xứng.

Qua thống kê, số lượng xe tập lái trên 20 năm có khoảng 6.000 chiếc, chiếm 14% trong tổng số xe hạng B. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch. Quy định đưa ra không phải cấm ngay mà sẽ có lộ trình thực hiện phù hợp, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Ông Nguyễn Đức Phú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT cho hay hiện trường có khoảng gần 60 xe tập lái, đa số đều là xe cũ có tuổi thọ từ 20 – 30 năm, tiền sửa chữa bằng mua xe mới. Những chiếc xe cũ này nếu bán cũng chỉ được vài chục triệu đồng.

Theo ông Phú, do bị bó buộc bởi các quy định của đơn vị công lập được tự chủ một phần, cùng với việc không có quy định niên hạn xe tập lái nên nhà trường không có cơ sở để thanh lý xe cũ và đầu tư xe mới.

Thêm nữa, muốn mua xe phải căn cứ quy định về đơn giá, định mức, tiêu chuẩn, làm dự toán và đấu thầu. Điều này cũng làm tính cạnh tranh của các cơ sở công lập giảm sút so với cơ sở đào tạo tư nhân.

Đức Minh