Lần đầu tiên kinh tế TP.HCM tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng, doanh số giảm hơn 21.000 tỷ đồng…

tphcm covid
Người dân TP.HCM đeo khẩu trang trong đợt dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát lần hai, ngày 8/8/2020. (Ảnh: CravenA/Shutterstock)

Tại buổi tọa đàm với doanh nghiệp hôm 3/10, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM nêu ra các con số cho thấy hoạt động của doanh nghiệp TP đang trong tình trạng bất ổn lớn, trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) chưa thấy điểm kết thúc.

Ông Phong cho biết lần đầu tiên kinh tế TP.HCM tăng trưởng dưới 1,2%. Cũng lần đầu tiên thành phố có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng, làm giảm hơn 21.000 tỷ đồng doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố.

Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề khi hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành bị sụt giảm cả số lượng hành khách, doanh thu. Nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng người lao động thất nghiệp.

Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là hơn 6.000 doanh nghiệp; hơn 30.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 696.000 tỷ đồng, trong đó số doanh nghiệp có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm 1,9% (579 DN). Nói về điều này, ông Phong cho rằng các doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để vượt qua khó khăn.

Ông Phong thừa nhận muốn phục hồi kinh tế trước mắt là phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra sản phẩm và tạo việc làm; đây cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Đại diện khối doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp và kiến nghị như: Điều chỉnh điều kiện của các gói hỗ trợ (theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng ngành nghề, quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh); Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi Thông tư 01 (mở rộng đối tượng được hỗ trợ, đơn giản hóa các điều kiện cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp), mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh, quản lý nguồn thu và dòng tiền…;

Ông Dũng cũng đề xuất nên gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất thêm thời gian lên 12 tháng cho doanh nghiệp và gia hạn chậm bảo hiểm hưu trí, tử tuất lên 6 tháng/người lao động trong doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa; Kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng…

Năm 2019, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của TP.HCM tăng trưởng 7,86% (cả nước tăng 7,02%), góp 22,27% cho GDP của cả nước.

6 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt hơn 1,3 triệu lượt (giảm 69,3% so với cùng kỳ). Tổng doanh thu du lịch chỉ đạt 28,3 tỷ đồng, giảm 58,1% so với cùng kỳ.

Hồi tháng 7/2020, ông Phong chỉ ra 2 nguyên nhân khiến kinh tế thành phố giảm sút là do sự suy giảm của ngành dịch vụ và sự gãy đổ của doanh nghiệp vừa, nhỏ. Theo một công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu tháng 9, TP.HCM là một trong những tỉnh chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh COVID-19, đạt mức tăng trưởng thấp, 1,02%.

Nguyễn Minh

Xem thêm: