Gần đây, một loạt hành động của Mỹ đối với Trung Quốc đã thu hút sự chú ý khiến vấn đề “tách rời” Mỹ – Trung lại trở thành chủ đề nóng. Trong bối cảnh này, doanh số bán hàng của các tập đoàn nổi tiếng như Apple và Tesla của Mỹ tại Trung Quốc giảm mạnh, giá cổ phiếu của họ cũng lao dốc. Có phân tích cho rằng dù các công ty nước ngoài ở Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng Trung Quốc còn bị tổn hại nhiều hơn…

Embed from Getty Images

Ngày 7/1/2019, ông Elon Musk và Thị trưởng Ứng Dũng của Thượng Hải cùng dự lễ khởi công nhà máy Thượng Hải của Tesla, chỉ hai năm sau thì Trung Quốc “trở mặt” với Tesla. (Ảnh: STR/AFP/Getty)

Chuỗi hành động của Mỹ mở rộng sang nhiều địa bàn khác

Hạ viện Mỹ vào thứ Tư (13/3) đã thông qua dự luật đối với TikTok. Dự luật đưa ra hai lựa chọn: Công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc trong vòng 180 ngày phải bán TikTok, nếu không Mỹ sẽ cấm TikTok tại Mỹ.

Nhà Trắng sau đó kêu gọi Thượng viện hành động nhanh chóng đối với dự luật đã được Hạ viện thông qua. Tổng thống Biden cho biết nếu dự luật được Hạ viện và Thượng viện thông qua, ông sẽ ký thành luật.

Vào thứ Năm (14/3), Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ cho biết họ đang điều tra xem liệu việc sử dụng hệ thống vệ tinh nước ngoài của Trung Quốc và Nga của điện thoại di động và các thiết bị khác tại Mỹ có gây ra mối đe dọa an ninh hay không. Họ đang tìm kiếm phản hồi từ các nhà sản xuất điện thoại di động Apple, Google, Motorola, Nokia, Samsung và các nhà sản xuất sản phẩm khác cùng chiếm hơn 90% thị trường điện thoại thông minh ở Mỹ.

‘Gã khổng lồ’ dịch vụ gọi xe Trung Quốc Didi Global (tên cũ là Didi Dache) sẽ phải đối mặt với một vụ kiện tại tòa án Mỹ vào thứ Năm (14/3) với cáo buộc Didi lừa đảo các nhà đầu tư.

Hôm thứ Năm (14/3), Chủ tịch James Comer Ủy ban Giám sát Hạ viện tuyên bố triển khai điều tra trong phạm vi chính phủ liên quan những nỗ lực xâm nhập và ảnh hưởng đến Mỹ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ đã gửi thư đến 9 cơ quan chính phủ liên bang, bao gồm Bộ Tư pháp, Nông nghiệp và Cơ quan Truyền thông Toàn cầu. Bộ Tư pháp được yêu cầu trước ngày 20/3 cần cung cấp thông tin tóm tắt về 6 chủ đề.

Ông Comer liên tục đề cập đến cuộc chiến không hạn chế, cho biết ĐCSTQ “gây chiến với Mỹ thông qua các hành động nhắm mục tiêu, gây ảnh hưởng và xâm nhập vào mọi khu vực kinh tế và cộng đồng ở Mỹ”.

Hôm thứ Hai (11/3), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo chỉ ra, Mỹ có thể tăng cường hơn nữa quyền kiểm soát đối với việc ĐCSTQ mua lại công nghệ bán dẫn tiên tiến. Bà nói: “Chúng tôi sẽ không cho phép Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của chúng tôi để đạt được tiến bộ quân sự… Chúng tôi sẽ bằng mọi giá bảo vệ người dân Mỹ”.

Về những diễn biến mới này, tờ Epoch Times chia sẻ nhận định từ nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi), “Với việc bổ sung cần cẩu, xe điện, chip và hệ thống giáo dục trực tuyến”, cuộc chiến ban đầu tập trung vào lĩnh vực chip công nghệ cao đang mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Xu thế Mỹ viết lại các quy tắc thương mại đã dẫn đến sự sụt giảm tỷ trọng sản phẩm Trung Quốc trong hàng nhập khẩu của Mỹ. Năm ngoái, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 20% và Trung Quốc không còn là nhà nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Theo số liệu thống kê thương mại của Bộ Thương mại Mỹ, Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 2006 sẽ tụt xuống dưới vị trí thứ hai về thị phần hàng năm tại Mỹ, nhập khẩu từ châu Âu và Đông Nam Á của Mỹ theo đó cũng tăng lên.

ĐCSTQ đáp trả: Apple và Tesla “lãnh đủ”?

Vấn đề “tách rời” bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng vào năm 2018. Mặc dù nhiều quan chức chính phủ và doanh nhân từ Mỹ đến Đức đều tuyên bố rằng việc tách rời kinh tế và thương mại khỏi Trung Quốc là không thực tế và không khôn ngoan, nhưng EU đã hưởng ứng với khẩu hiệu “giảm rủi ro”, xu thế tách rời này đã trở thành xu hướng và ngày càng được các bên ở Mỹ và phương Tây chấp nhận.

Dù ĐCSTQ cực lực phản đối việc “tách rời”, nhưng họ lại đưa ra sửa đổi luật phản gián, luật an ninh quốc gia, luật dữ liệu…., và gần đây là “Văn kiện 79” đã thu hút sự chú ý, vì cho thấy họ cũng đang thúc đẩy xu hướng tách rời.

Cái gọi là “Văn kiện 79”, theo tờ WSJ cho hay Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực yêu cầu các công ty nhà nước trong một loạt ngành công nghiệp phải thay thế phần mềm nước ngoài trong hệ thống công nghệ thông tin của họ bằng phần mềm trong nước, thời hạn cuối để hoàn thành vào năm 2027.

Bloomberg mới đây dẫn nguồn tin cho biết, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin của ĐCSTQ yêu cầu các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trong năm nay phải mở rộng mua linh kiện trong nước, đẩy nhanh việc áp dụng chip do Trung Quốc sản xuất, kỳ hạn đến năm 2025 phải mua tối thiểu 1/5 số chip trong nước, cố gắng tối đa tránh sử dụng sản phẩm bán dẫn nước ngoài.

Ảnh hưởng nặng nề nhất từ xu thế “tách rời” giữa Mỹ và Trung Quốc là Apple và Tesla – những công ty lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc trong những năm gần đây. Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất bên ngoài Mỹ của cả hai công ty, đóng góp lần lượt 19% và 22% tổng doanh thu của họ trong những năm tài chính gần đây.

shutterstock 1336041920
Cửa hàng Tesla ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Nguồn: B.Zhou/ Shutterstock)

Trong bối cảnh nền kinh tế và thương mại của Trung Quốc tiếp tục tách rời khỏi hầu hết các nước phương Tây, triển vọng ở Trung Quốc của hai công ty hàng đầu thế giới này cũng trở nên mờ mịt và là tâm điểm chú ý.

Theo Counterpoint Research, Apple đã phải vật lộn để bán iPhone mới cho người tiêu dùng Trung Quốc, nhưng doanh số bán tại đây trong 6 tuần đầu năm nay đã giảm 24%. Theo báo cáo tài chính mới của Apple, mặc dù doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng nhưng công ty đã hứng chịu kỷ lục 4 quý liên tiếp sụt giảm doanh thu, suy thoái rõ rệt là doanh số bán hàng tại Trung Quốc (giảm 13%).

Tesla cũng phải đối mặt vấn đề tương tự. Bloomberg đưa tin lượng hàng xuất xưởng của Tesla tại Shanghai Gigafactory (Thượng Hải – Trung Quốc) đã giảm mạnh trong tháng trước. Dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc cho thấy lượng hàng xuất xưởng là 60.365 xe, thấp hơn 16% so với lượng hàng xuất xưởng trong tháng Một và thấp hơn 16% so với lượng hàng xuất xưởng trong tháng 1 và thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc trong 2 năm qua đã áp đặt các hạn chế đối với Tesla, bao gồm cả việc xe Tesla không được phép đi vào các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan chính phủ hoặc đi trên cầu cao. Điều tương tự cũng xảy ra với Apple, mọi dữ liệu Apple hoạt động tại Trung Quốc phải lưu trữ tại Trung Quốc.

Chia sẻ trên Epoch Times ngày 16/3, ông Liang Shaohua từng là luật sư ở Bắc Kinh đã có nhận định, việc cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với nhà độc tài để từ đó thu được lợi nhuận về mặt kinh tế là con dao hai lưỡi, khi tình hình có vấn đề đó là bên sẽ tổn hại nhất.

Có thể nói, những thách thức ngày càng tăng mà cả hai công ty hàng đầu thế giới thúc đẩy hoạt động ở Trung Quốc phải đối mặt đã thu hút chú ý, trong năm nay cổ phiếu Apple giảm 9% và cổ phiếu Tesla giảm 28%, khiến họ trở thành những cổ phiếu có thành quả tệ nhất trong số 7 cổ phiếu công nghệ lớn nhất của Mỹ.

Phân tích: Trung Quốc bị tổn hại nhiều hơn

Mỹ và Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tách rời, vậy thì trong trường hợp này bên nào là bên cần bên kia hơn? Bên nào bị thiệt hại hơn? 

Trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (Chung-Hua Institution for Economic Research), ông Wang Wangochen phân tích với Epoch Times rằng tất nhiên Trung Quốc bị tổn hại nhiều hơn, nguyên nhân chính là toàn bộ công nghệ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của châu Âu và Mỹ. Ví dụ gần đây dễ thấy như công ty Xiaomi được đồn đoán muốn phát triển xe điện nhưng vấn đề là chip của họ cần phải mua từ Qualcomm và Huida, về tổng thể thì Trung Quốc chủ yếu vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ của Mỹ.

Dĩ nhiên Mỹ vẫn có nhu cầu xuất khẩu, Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người nên thị trường này vẫn là thị trường rất quan trọng trên thế giới, số liệu lao động Trung Quốc trong toàn chuỗi cung ứng vẫn có vẻ tốt hơn so với khu vực Đông Nam Á hay Ấn Độ.

Nhìn chung, công nghệ do Mỹ kiểm soát, nhưng thị trường được chia đều giữa Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên lợi thế về lao động có thể là ở Trung Quốc nên quá trình tách rời sẽ là một quá trình lâu dài và đau đớn.

Ông Liang Shaohua cũng nói với Epoch Times rằng nếu các chuỗi công nghiệp hoàn thiện bị tách rời thì tất cả sẽ phải chịu thiệt hại, điều này không tốt cho toàn bộ nền kinh tế thế giới, nhưng có thể Trung Quốc chịu thiệt hại nhiều hơn. Các công ty châu Âu và châu Mỹ trong quá trình tách rời đã chuyển chuỗi công nghiệp của họ sang Ấn Độ, Mexico và Việt Nam, phải đối mặt chi phí ngày càng tăng, nhưng một khi tìm được dây chuyền công nghiệp thay thế thì tình hình chi phí sẽ giảm dần và tác động rồi sẽ không còn quá lớn. Nhưng Trung Quốc là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, năng lực tiêu dùng nội địa không mạnh, nhiều lĩnh vực của Trung Quốc bắt đầu đình trệ trong hai năm qua: cơ sở hạ tầng, bất động sản và các hoạt động sản xuất ô tô…. Nếu chuyển dịch hoàn toàn chuỗi công nghiệp ra ngoài, cái móng nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ suy yếu, chắc chắn sẽ gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.

Rủi ro lớn của công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc

Trong bối cảnh những ‘gã khổng lồ’ như Apple và Tesla đang gặp khó khăn, vậy thì với những công ty nước ngoài ít tên tuổi đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ như thế nào? Chuyên gia Đài Loan Wang Guochen tin rằng tất nhiên mọi chuyện đối với họ sẽ còn tồi tệ hơn.

Thế nhưng trong thời gian gần đây công ty ô tô lớn của Đức là Volkswagen lại đang tăng cường đầu tư tại Trung Quốc, ông Wang Guochen nhận định vấn đề này: “Đây là hành vi đi ngược xu hướng. Giống như khi thị trường chứng khoán sụp đổ, đa số đều chạy nhưng một số người lại đầu tư vào. Trong trường hợp này, có lẽ họ muốn thất bại”.

Ông Wang Guochen giải thích: thứ nhất, sức tiêu thụ của Trung Quốc thực tế không tốt, có kỳ vọng là tốt nhưng không biết điều đó xảy ra vào thời điểm nào; thứ hai, có thể thấy ngay cả đối với doanh nghiệp siêu lớn hay kiểm soát công nghệ nhất định (như Alibaba), cũng dễ dàng phải chịu thảm họa một khi ĐCSTQ thấy cần [cho thấy tính chất tùy tiện trong thực thi pháp luật tại Trung Quốc].

Ông cho biết các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở Trung Quốc đã đua nhau bỏ chạy. Trong thời dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến nhiều công ty ở Trung Quốc làm ăn thua lỗ thì nhà cầm quyền lại đưa ra luật để truy “gián điệp” như luật phản gián, luật an ninh quốc gia…. khiến toàn bộ môi trường đầu tư không an toàn, khiến giới đầu tư ý thức rõ hơn hết vấn đề chính sách của ĐCSTQ không ổn định gây rủi ro cao đối với họ.

Đối với người Đức, ông phân tích Đức thường làm những điều không thể giải thích được vì cân nhắc kinh tế hơn là cân nhắc chính trị. Ví như chuyện trước đó chính sách xoa dịu đối với Nga, nghĩ rằng sử dụng khí đốt tự nhiên của Nga và thiết lập quan hệ tốt với Nga sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Nga. Nhưng như đã thấy Nga vẫn phát động chiến tranh với Ukraine, điều mà ông không ngờ tới. Ông lưu ý: “Giống như Trung Quốc bây giờ, thật phi thực tế khi nghĩ rằng việc cải thiện quan hệ và tăng cường quan hệ có thể ảnh hưởng đến chính sách của ĐCSTQ. Có thể một ngày, giống như ĐCSTQ đã làm trước đây, tất cả các công ty nước ngoài ở Trung Quốc sẽ bị quốc hữu hóa”.

Cơ hội đến với các nước láng giềng của Trung Quốc

Do sự tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Liang Shaohua tin rằng các nước láng giềng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi, đặc biệt những nước giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp khi chuyển địa bàn như Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, và Mexico – những nơi mà doanh nghiệp hy vọng sẽ xây dựng lại chuỗi công nghiệp đáng tin cậy. Phương Tây đang nỗ lực giảm thiểu phụ thuộc Trung Quốc, vì như vậy có thể hứng chịu bị ĐCSTQ bóp nghẹt bất cứ lúc nào.

Ấn Độ hôm thứ Sáu (15/3) cho biết sẽ giảm thuế nhập khẩu một số loại xe điện đối với những công ty cam kết trong vòng 3 năm đầu tư ít nhất 500 triệu USD và thành lập nhà máy sản xuất, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho Tesla thâm nhập thị trường Ấn Độ.

Reuters đưa tin, chính sách này là một thắng lợi lớn cho Tesla vì phù hợp với những gì công ty đã vận động hành lang ở New Delhi. Vào tháng Bảy năm ngoái, Tesla đề xuất xây dựng nhà máy ở Ấn Độ, nhưng đồng thời cũng hy vọng giảm thuế nhập khẩu, CEO Musk cho biết thuế nhập khẩu liên quan ở Ấn Độ là cao nhất thế giới.

Ông Wang Guochen nhận định: Một liên minh chống Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang hình thành trên khắp thế giới, như Úc có thể tăng cường tiếp xúc lại với Trung Quốc vì lợi ích kinh tế ngắn hạn, tuy nhiên quá trình này sẽ không đứng vững, về lâu dài thì phương Tây vẫn đang xây dựng liên minh chống Trung Quốc. Ông nói: “Tất nhiên, Bắc Kinh cũng đang cố gắng để lôi kéo một số đồng minh, nhưng họ đều giống Nga hay Iran; so với phương Tây kém xa về quy mô thị trường và cũng có khoảng cách nhất định về trình độ phát triển…. Nói cách khác, việc tách rời giữa Trung Quốc và Mỹ có thể hình thành một cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng trong cuộc chiến này, toàn bộ sức mạnh tiêu dùng hoặc thị trường vẫn do châu Âu và Mỹ kiểm soát, vì vậy chắc chắn xu thế tách rời này tiếp tục sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc hơn”.