iPhone đã vấp phải doanh số sụt giảm tại thị trường Trung Quốc và sẽ gặp khó khăn sau khi bước sang năm 2024. Trong những ngày gần đây, giá cổ phiếu của Apple đã giảm mạnh và hãng này mất danh hiệu công ty giá trị nhất thế giới. Một số nhà phân tích cho rằng những khó khăn của Apple tại thị trường Trung Quốc có thể ngày càng sâu sắc hơn.

Apple
Logo công ty Apple (Ảnh: Shutterstock)

Bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm gần đây về doanh số bán iPhone tại thị trường Trung Quốc và khoản tiền phạt chống độc quyền gần đây của EU lên tới 1,8 tỷ euro (khoảng 1,95 tỷ USD), giá cổ phiếu của Apple đã giảm trong 6 ngày giao dịch liên tiếp, tính đến thời điểm đóng cửa giao dịch vào thứ Tư (ngày 6/3, theo giờ miền Đông nước Mỹ), giá cổ phiếu Apple là $168,45. Sự sụt giảm kéo dài 6 ngày đã xóa sạch hơn 200 tỷ USD giá trị thị trường của Apple.

Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2024, giá cổ phiếu của Apple đã giảm hơn 12%. Giá trị thị trường của Apple đã bốc hơi hơn 300 tỷ USD trong năm nay. Tổng giá trị của công ty không chỉ bị Microsoft vượt qua mà khoảng cách ngày càng rộng hơn.

Gần đây, Tập đoàn Goldman Sachs đã loại Apple khỏi “Danh sách mua tốt nhất“, sự lo ngại về doanh số bán iPhone chậm chạp trong thời gian dài là nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh này.

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc đã suy giảm trong 6 tuần đầu năm 2024, với tổng doanh số giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xếp hạng doanh số bán iPhone của Apple tại Trung Quốc đã giảm từ vị trí thứ hai năm ngoái xuống vị trí thứ tư, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Top 3 là các thương hiệu nội địa Trung Quốc.

Có thông tin cho rằng Apple đã gặp phải áp lực cạnh tranh đáng kể từ các thương hiệu địa phương tại thị trường Trung Quốc và Huawei đã lấy đi rất nhiều thị phần từ Apple. Các vấn đề tại thị trường Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tổng lượng hàng xuất xưởng của Apple trong năm nay.

Apple chịu áp lực từ Chính phủ Trung Quốc

Vào tháng 6/2023, Apple trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có vốn hóa thị trường trên 3000 tỷ USD. Điện thoại di động của Apple đã thống trị thị trường điện thoại thông minh toàn cầu và ở Trung Quốc cũng đã vượt qua các thương hiệu điện thoại di động nội địa hàng đầu như OPPO, Vivo, v.v.

Vào ngày 29/8/2023, trong chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, Huawei, công ty đã bị cắt nguồn cung cấp chip cao cấp sau các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ, đã bất ngờ tung ra dòng Mate 60 cao cấp mà không hề thông báo để quảng cáo rầm rộ. Tạo đà bằng chức năng “gọi điện vệ tinh”, tập trung vào hình ảnh, thời trang và màn hình gập, đồng thời cạnh tranh giành người dùng phổ thông và người dùng tiềm năng của Apple. Dòng Mate 60 của Huawei đã bán được 10.000 chiếc trong một tháng, gấp đôi so với các mẫu trước đó của Huawei.

Apple ra mắt dòng iPhone 15 thế hệ mới vào ngày 13/9/2023 nhưng dần hạ nhiệt sau thời gian ngắn. Các báo cáo nghiên cứu thị trường liên quan cho thấy trong thời gian ra mắt iPhone 15, thị phần của Apple tại Trung Quốc đã giảm hơn 10% xuống còn 14,2%. Kể từ đó, Apple đã giảm giá để giữ thị phần, điều này cũng gây ra sự bất mãn của người tiêu dùng.

Trong vòng một tháng của tháng 10 năm ngoái, giá trị thị trường của Apple đã giảm mạnh, bốc hơi 1700 tỷ nhân dân tệ (khoảng 233,4 tỷ USD).

Doanh số bán điện thoại hàng đầu của Huawei đã tăng vọt, đằng sau cái gọi là nâng cấp hiệu suất kỹ thuật là cuộc chiến tuyên truyền trên phương tiện truyền thông công khai và sự ngầm ủng hộ mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Huawei, công ty bị Mỹ trừng phạt vào năm 2019, có quan hệ chặt chẽ với quân đội ĐCSTQ. Điện thoại di động Huawei là mẫu sản phẩm nội địa được tuyên truyền bởi “lòng yêu nước” của ĐCSTQ. Huawei đã chọn cách trở lại nổi bật trước mắt công chúng trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo, điều này được ĐCSTQ tuyên bố là “phá vỡ sự phong tỏa chuỗi cung ứng của Mỹ”. Bị thúc đẩy bởi chính trị, nhiều khách hàng “đỏ” coi việc mua điện thoại di động Huawei là biểu hiện của sự “ủng hộ sản phẩm nội địa”.

Vào tháng 9/2023, một số tổ chức ở Bắc Kinh và Thiên Tân đã cấm nhân viên mang điện thoại di động thương hiệu nước ngoài như iPhone đến nơi làm việc.

Vào tháng 12, một người trong cuộc đã tiết lộ với truyền thông bên ngoài Trung Quốc rằng trong một hoặc hai tháng qua, nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tại ít nhất 8 tỉnh đã ra lệnh cho nhân viên bắt đầu sử dụng điện thoại di động của các thương hiệu nội địa, bao gồm Chiết Giang, Quảng Đông, Giang Tô, An Huy, Sơn Tây, các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan chính phủ ở Sơn Đông, Liêu Ninh và Hà Bắc, cũng như các thành phố cấp hai và cấp ba khác, cũng đã ra lệnh bằng miệng.

ĐCSTQ đã không khuyến khích các quan chức sử dụng điện thoại nước ngoài trong ít nhất một thập kỷ, và lần này với sự hành động xem ra có vẻ được phối hợp rộng rãi lại trùng hợp với sản phẩm bán chạy của Huawei.

Ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận chính trị tại Mỹ, nói với tờ Epoch Times vào ngày 7/3 rằng vì lợi ích của Huawei, ĐCSTQ không chỉ ngầm chỉ thị áp đặt các hạn chế đối với các thương hiệu nước ngoài như Apple, mà còn sử dụng thể chế để bán Huawei trong nước.

“Trước đây, bất kể doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, Apple là lựa chọn khi phân phối lợi ích và tiến hành mua sắm tập thể, nhưng giờ đây Huawei đã trở thành thương hiệu được chỉ định duy nhất. Hơn nữa, khi Huawei ra mắt Mate 60, cả 3 nhà mạng lớn đều nhận được chỉ lệnh loại bỏ tất cả các điện thoại di động khác và chỉ định quảng cáo cho Huawei, dẫn đến hầu hết các phòng kinh doanh do các nhà khai thác trực tiếp điều hành chỉ có quảng cáo của Huawei. không có gì đáng ngạc nhiên khi doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc giảm sút,” ông Đường Tĩnh Viễn nói. 

Ông cũng cho rằng suy thoái kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến mức tiêu dùng của nhiều người dân bị suy giảm. Với ít tiền trong túi và khó kiếm tiền, một số người sẽ chọn những chiếc máy sản xuất trong nước Trung Quốc rẻ hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh số Apple sụt giảm.

Những khó khăn của Apple tại Trung Quốc có thể ngày càng sâu sắc hơn

Trung Quốc có chuỗi công nghiệp điện thoại di động lớn nhất thế giới và nhiều thương hiệu điện thoại di động địa phương, trong bối cảnh kinh tế phát triển, thị trường Trung Quốc đã trở thành thị trường cạnh tranh kịch liệt nhất thế giới.

Zhang Mengmeng, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint, cho biết iPhone đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Huawei trên thị trường cao cấp, đồng thời bị ép bởi mức giá quá mạnh của các thương hiệu nội địa Trung Quốc như OPPO, Vivo và Xiaomi.

“Mặc dù iPhone 15 là một thiết bị tuyệt vời nhưng nó không có nâng cấp lớn so với các phiên bản trước, vì vậy người tiêu dùng cảm thấy hài lòng khi giữ iPhone thế hệ cũ trong thời điểm hiện tại”, Zhang Mengmeng nói.

Doanh số bán iPhone 15 của Apple tại Trung Quốc thấp hơn bất kỳ mẫu iPhone nào trước đây, khiến một số nhà phân tích hạ dự báo doanh thu của công ty.

Ông Đường Tĩnh Viễn cho rằng doanh số bán hàng của Apple tại thị trường Trung Quốc đã giảm mạnh và hiệu suất kỹ thuật không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà nguyên nhân sâu xa nhất nằm ở chiến lược tách rời có chọn lọc của ĐCSTQ với phương Tây. Trong những năm qua, ĐCSTQ đã dần thay thế các sản phẩm của Mỹ bằng phần mềm và phần cứng do Trung Quốc sản xuất, từ phần mềm của Microsoft đến máy tính Dell và chip Intel, và giờ đây họ đã để điện thoại di động Huawei đánh bại Apple một cách nặng nề. ĐCSTQ sử dụng hệ thống toàn quốc để quảng bá Huawei, đây là “bí mật” có thể nhanh chóng bóp chết các công ty nước ngoài. Nếu Huawei không phải chịu các lệnh trừng phạt kỹ thuật của Mỹ, e rằng Apple sẽ còn bị tổn hại nhiều hơn. Khi chính quyền ĐCSTQ đẩy nhanh sự chuyển dịch chính trị sang cánh tả và tiếp tục “tách rời”, tình trạng khó khăn của Apple ở Trung Quốc có thể ngày càng sâu sắc hơn.