Bộ Tài chính Việt Nam đề xuất năm 2022, chi thường xuyên chiếm 62,2% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 5,1% so với dự toán của năm trước để tăng chi cho an sinh xã hội. Xét theo tỷ lệ, mức bội chi dự tính bằng 4% GDP như năm 2021, song thực tế tăng hơn 29,2 nghìn tỷ.

tphcm vung do
Một khu chợ bị phong tỏa kèm cảnh báo “người để lây lan dịch sẽ bị truy cứu trách nhiệm”, trong mục tiêu “Zero COVID-19” của Chính phủ, TP.HCM ngày 23/9/2021. (Ảnh: All themse/Shutterstock)

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội”, dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa 15 xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ hai (đợt 1 đang diễn ra, từ ngày 20-30/10, đợt 2 từ ngày 8-13/11).

Dự toán chi được xây dựng trên cơ sở tính toán số thu NSNN năm 2022 sẽ tăng hơn3,3% so với ước thực hiện trong năm nay. Theo đó, dự toán các khoản thu – chi NSNN, bội chi NSNN năm 2021 đều tăng, trừ khoản chi trả nợ gốc.

Cụ thể, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3,3% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.

Dự toán thu nội địa năm 2022 là 1.176,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng thu cân đối NSNN, tăng khoảng 3,8% so với ước thực hiện năm 2021; thu từ dầu thô 28,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2% tổng thu cân đối NSNN trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước gần 7 triệu tấn, giá dầu dự toán khoảng 60USD/thùng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 199 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng thu cân đối NSNN; thu viện trợ 7,8 nghìn tỷ đồng.

Dự toán chi NSNN năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với ước thực hiện năm 2021.

Trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 526,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng chi NSNN 2021; chi trả nợ lãi 103,7 nghìn tỷ, chiếm khoảng 5,8% tổng chi, giảm 5,8% so với năm 2021; chi viện trợ 1.800 tỷ đồng; chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế 1.000 tỷ đồng (dự toán và ước thực hiện năm 2021 là 25,505 tỷ đồng).

Dự toán chi thường xuyên được đề xuất ở mức 1.111,19 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 4,9% so với ước thực hiện năm 2021. Phần tăng chi chủ yếu để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu trong dịch COVID-19, hỗ trợ an sinh, tăng lương hưu, trợ cấp người có công…

du toan ngan sach 2022
Dự toán cân đối NSNN năm 2022 do Bộ Tài chính lập, dự kiến trình Quốc hội thông qua. (Nguồn: Bộ Tài chính)

Mức bội chi NSNN năm 2022 dự kiến là 372,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 4% GDP – về tỷ lệ bằng mức bội chi năm 2021, song về con số chi tiết thì tăng hơn 29,2 nghìn tỷ.

Dự toán chi trả nợ gốc của Chính phủ trong năm 2022 chỉ 199,786 tỷ đồng, giảm 17% so với ước thực hiện năm 2021.

Tổng mức vay của NSNN trong năm 2022 là 572.686 tỷ đồng, giảm 6% so với dự toán năm 2021 (608.569 tỷ đồng).

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21-22% tổng thu NSNN. Đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 43-44%GDP.

Bộ Tài chính cho biết dự toán NSNN năm 2022 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6-6,5% so với năm 2021, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 60 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%.

Từ 2020-2021, Việt Nam thiệt hại 24 tỷ USD về tăng trưởng kinh tế 

Ngày 21/10, trong phiên thảo luận tại tổ trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua là rất lớn.

Năm 2020, dự kiến tăng trưởng về kinh tế là 6,8% nhưng kết quả thực tế của cả năm chỉ đạt 2,9%. Sang năm 2021, dự kiến đà tăng trưởng là 6% nhưng khả năng thực hiện không quá 3%. Việc này đồng nghĩa trong 2 năm trải qua dịch COVID-19, ước tính tổng thiệt hại của cả nước lên đến 7% GDP. Với GDP năm 2020 khoảng 343 tỷ USD, mức thiệt hại về tăng trưởng qua 2 năm là gần 24 tỷ USD.

Riêng TP.HCM, mức thiệt hại trong 2 năm chiếm khoảng 50% của cả nước, tương đương khoảng 12 tỷ USD.

Đưa ra giải pháp, ông Ngân đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 đến hết năm 2022, thay vì mốc 31/1/2022.

Tuy nhiên, giải pháp để thúc đẩy kinh tế, theo ông Ngân, là Chính phủ cần dành nguồn lực đủ lớn, khoảng 20.000-40.000 tỷ đồng (850 triệu-1,7 tỷ USD) để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Vì với mặt bằng lãi suất cho vay 6-8%/năm, thậm chí 9%/năm hiện tại, doanh nghiệp rất khó để hồi phục.

GDP quý 3/2021 của Việt Nam được công bố tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). “Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý đến nay”, cơ quan này nhận định.

Mặc dù vậy, PGS TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng mức tăng trưởng âm 6,17% vẫn còn là nhẹ nếu nhìn vào sự đứt gãy sản xuất, sự đình trệ của hoạt động kinh doanh diễn ra trên quy mô lớn trong suốt quý 3, với hàng triệu lao động thất nghiệp, hơn 90 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

“Với tình hình hiện nay, kinh tế mới bắt đầu rục rịch mở cửa, doanh nghiệp còn đang cầm chừng, tăng trưởng quý 4 sẽ khó lòng đạt được mức cao, mà muốn cả năm đạt được 3,5%, quý 4 phải tăng khoảng 8%. Chúng tôi cho rằng nếu quý 4 các rào cản đối với sản xuất và lưu thông hàng hóa được gỡ bỏ thì tăng trưởng GDP trong kịch bản lạc quan có thể rơi vào khoảng 2% – 2,5%. Còn nếu quý 4 không có tăng trưởng so với năm ngoái thì GDP cả năm 2021 có thể chỉ tăng khoảng 1%, thậm chí là âm nếu quý 4 lặp lại vết xe đổ của quý 3 vừa rồi.”, theo Tạp chí Đầu tư Tài chính.

Nguyễn Minh – Phương Anh

Xem thêm: