Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hôm Chủ Nhật (29/10) đã nói rằng New Delhi đã hành động vì lợi ích tốt nhất của mình khi quyết định tiếp tục mua dầu thô từ Nga bất chấp áp lực từ phương Tây.

Phát biểu về các ưu tiên chính sách ngoại giao của Ấn Độ, trong đó có lập trường về cuộc khủng hoảng tiếp diễn ở Trung Đông, Bộ trưởng Jaishankar đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của “điều hành tốt” và có “lập trường kiên định” về các vấn đề cấp bách như chủ nghĩa khủng bố.

Đã có nhiều sự chú ý về lập trường mạnh mẽ của chúng tôi khi tiếp tục mua dầu thô từ Nga”, ông Jaishankar nói trong bài phát biểu hôm 29/10 tại Bhopal, Madhya Pradesh. “Nếu chúng tôi không đưa ra lựa chọn đó, thì hãy tưởng tượng về những khác biệt là gì đã đến với quý vị, hãy tưởng tượng giá xăng mà quý vị mua sẽ tăng cao thế nào, hãy tưởng tượng lạm phát sẽ tăng bao nhiêu trong đất nước này”.

Một chính phủ mạnh mẽ phải đấu tranh cho người dân của mình”, ông Jaishankar nói và cho biết thêm rằng giống như trong nước cần “điều hành tốt”, thì ở bên ngoài cần thiết có “đánh giá đúng”. “Chính những quốc gia tại châu Âu đã yêu cầu chúng tôi không mua dầu thô của Nga, bản thân họ cũng đang mua dầu thô từ Nga”, ông Jaishankar tuyên bố, lưu ý rằng “mọi quốc gia đều theo đuổi phúc lợi cho người dân của họ và những lợi ích kinh tế của họ”.

Những bình luận nêu trên của Bộ trưởng Jaishankar đến vào thời điểm thương mại hai chiều giữa Nga và Ấn Độ đã đạt mức cao kỷ lục, với tổng giao dịch hàng hóa song phương trong 8 tháng đầu năm 2023 này đã vượt qua khối lượng giao dịch hàng hóa của cả năm 2022. Theo số liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, tổng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia trong 8 tháng qua đã đạt 43,8 tỷ USD.

Sản lượng dầu thô Ấn Độ nhập từ Nga đã tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức trung bình 1,56 triệu thùng/ngày trong tháng Chín. Ấn Độ nhập khẩu than cốc của Nga trong 8 tháng đầu năm 2023 cũng đã tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 4,3 triệu tấn.

Ông Jaishankar cũng đã nói về cuộc xung đột tiếp diễn giữa Israel và Palestine, nhưng không trực tiếp nêu tên hai nước. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có lập trường kiên định chống chủ nghĩa khủng bố.

Chúng tôi có lập trường mạnh mẽ về chủ nghĩa khủng bố bởi vì chúng tôi là những nạn nhân hàng đầu của phần tử khủng bố”, ông Jaishankar nói. Ông cũng cảnh báo rằng Ấn Độ sẽ đánh mất uy tín nếu họ nói chủ nghĩa khủng bố gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác là “không quá nghiêm trọng”.

New Delhi đã đang rơi vào tình trạng chênh vênh khó xoay sở trong ngoại giao về cuộc xung đột Israel – Palestine kể từ sau khi Hamas bất ngờ tấn công vào Israel hôm 7/10 làm khoảng 1.400 người dân Do Thái bị thiệt mạng. Sau đó, sự trả đũa của Israel đã giết chết hơn 8.000 người Palestine tại Gaza, phần lớn trong đó là dân thường, gồm nhiều phụ nữ và trẻ em, theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Gaza do Hamas điều hành.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là một trong những lãnh đạo thế giới đầu tiên lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10. Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu, ông Modi đã “thẳng thừng” lên án chủ nghĩa khủng bố dưới bất cứ dạng thức vào biểu hiện nào.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó đã nhanh chóng nêu rõ lập trường của New Delhi về Palestine, tái khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước để giải quyết xung đột Israel – Palestine, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ những người dân Palestine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Ông Modi đã nhấn mạnh ông cảm thấy “sốc” sau khi bệnh viện Al Ahli tại Gaza bị đánh bom khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ông nói rằng “thương vong của thường dân trong cuộc xung đột tiếp diễn này là vấn đề nghiêm trọng và tiếp tục đáng quan ngại”.

Hải Đăng (Theo RT)