Nhật Bản mở cửa trạm xăng dầu đầu tiên tại Việt Nam
- Chân Hồ
- •
Idemitsu Q8 Petroleum từ Nhật Bản đã mở trạm bán lẻ xăng dầu đầu tiên tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), nơi có nhiều cơ sở của các công ty Nhật, đánh dấu bước đầu xâm nhập vào thị trường xăng dầu nội địa Việt Nam. Đây là trạm xăng 100% vốn nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam.
Thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam đã bắt đầu cởi mở hơn sau khi các tập đoàn nhà nước thống lĩnh thị trường tiến hàng cổ phần hóa.
Trước Idemitsu Q8, tập đoàn Total (một tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Pháp) đã tham gia lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, sau khi công ty này mua lại hoạt động dầu nhờn của ExxonMobil tại Việt Nam vào cuối năm 2009.
Gia nhập thị trường dưới hoạt động kinh doanh chính là dầu nhớt, nhưng đến nay Total đã xây dựng được hệ thống hàng trăm trạm xăng phủ khắp cả nước thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu.
Việt Nam hiện có khoảng 29 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 120 thương nhân phân phối và hơn 14.000 cửa hàng trên cả nước. Ngoài Petrolimex với một nửa thị phần, PVOil với hơn 20% thị phần, phần còn lại đang chia cho các doanh nghiệp như Saigon Petro (6%), Mipec Petro (6%), Thalexim, Total…
Theo Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, ông Phan Thế Ruệ, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ xăng dầu chỉ đang cạnh tranh về phí, nghĩa là giá xăng dầu về cơ bản không đổi, chỉ chênh lệch chút ít về chi phí kinh doanh.
Nếu vận hành đúng theo nguyên tắc thị trường, doanh nghiệp xăng dầu phải cạnh tranh bằng giá bán lẻ, bằng dịch vụ bán hàng. Chỉ khi nào cho các doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ xăng dầu mới tạo ra cuộc cạnh tranh quyết liệt thực sự trên thị trường xăng dầu, và mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để làm được điều đó vẫn còn là một chặng đường dài. Vì giá bán lẻ xăng dầu cơ sở vẫn do Nhà nước quyết định, do đó, các doanh nghiệp phải bán lẻ xăng dầu xoay quanh giá cơ sở.
Điều đó có nghĩa là giá bán lẻ xăng dầu hiện nay thực chất là giá của Nhà nước quy định, chứ không phải do cung cầu thị trường quyết định.
Làn gió mới từ Nhật Bản
Tuy mới chỉ đặt một chân vào mảng thị trường xăng dầu Việt Nam, xét về quy mô thì một trạm xăng dầu của Idemitsu Q8 chưa thể so sánh được với chuỗi gần 2.700 trạm xăng dầu Petrolimex tại những vị trí giao lộ chiến lược phủ khắp toàn quốc.
Idemitsu Q8 đã gửi thông điệp đến khách hàng rằng, bán xăng chính xác đến 0,01 lít, cùng với đó là hệ thống phần mềm quản lý tự động cho phép thanh toán bằng thẻ như là một “làn gió mới” thổi đến những người tiêu dùng trong nước đang hấp hối bởi những đợt tăng giảm giá xăng đột ngột.
>> Hàng ngàn tỷ đồng lãng phí trong Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Idemitsu Kosan Nhật Bản, từ trạm xăng đầu tiên tại KCN Thăng Long, Idemitsu Q8 sẽ tập trung xây dựng mạng lưới trạm xăng dọc theo tuyến quốc lộ 5, cầu nối từ Hà Nội đi cảng Hải Phòng để đáp ứng nhu cầu logistics.
Nguồn cung xăng dầu để Idemitsu Q8 Petroleum kinh doanh sẽ đến từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Các nhà đầu tư Nhật Bản cho thấy họ đang ngày càng mở rộng sự hiện diện trong thị trường xăng dầu Việt Nam.
Một tập đoàn năng lượng của Nhật Bản là JX Nippon Oil and Energy hiện đang là cổ đông lớn sở hữu hơn 8% cổ phần Petrolimex, doanh nghiệp nắm giữ thị phần xăng dầu lớn nhất Việt Nam.
Idemitsu Q8 Petroleum là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam từ tháng 4.2016. Tuy nhiên đến tháng 10.2017, Idemitsu Q8 Petroleum mới chính thức mở trạm xăng đầu tiên. Đây là công ty đến từ Nhật Bản, gồm hai cổ đông lớn là Idemitsu Kosan Nhật Bản và một công ty xăng dầu Kuwait Petroleum, mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần. Cả hai công ty này cùng với Tập đoàn dầu khí Việt Nam Petrolimex và Tập đoàn Mitsui Chemical (Nhật Bản) là những đơn vị đồng sở hữu dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong đó, dòng vốn từ nước ngoài (FDI) chiếm đến 75%. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có tổng công suất 200.000 thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 10 triệu tấn dầu thô/năm. Nhà máy này sẽ xử lý dầu thô nhập từ Kuwait để sản xuất khí hóa lỏng, xăng, dầu diesel, dầu hỏa và nhiên liệu máy bay. Theo kế hoạch, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ ra sản phẩm thương mại vào cuối năm nay. |
Chân Hồ (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa cây xăng FDI Kinh tế Việt Nam