Hôm thứ Tư (27/9), nhà chức trách Indonesia đã thông báo quy định mới cấm hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội, biện pháp này rõ ràng là đòn mới giáng vào nền tảng xã hội TikTok (Trung Quốc) vốn đang tăng cường thúc đẩy thương mại điện tử tại nước Đông Nam Á này.

shutterstock 2288744599
(Ảnh minh họa: DDimaXX/ Shutterstock)

Quan điểm trên được Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan của Indonesia nói tại một cuộc họp báo ở Jakarta hôm thứ Tư. Ông nói với Reuters rằng quyết định của Chính phủ Indonesia là nhằm đảm bảo cạnh tranh kinh doanh “công bằng và chính đáng” cũng như bảo vệ an ninh dữ liệu của người dùng.

Ông Hassan cảnh báo rằng mạng xã hội không được phép cùng một lúc có nhiều chức năng như nền tảng thương mại điện tử, cửa hiệu và ngân hàng.

Các quy định mới có hiệu lực từ thứ Ba, mục đích nhằm bảo vệ người bán và thị trường ngoại tuyến, đồng thời ngăn chặn hoạt động bán hàng trực tiếp của các công ty công nghệ lớn, gây tổn hại đến lợi ích của hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Indonesia. Các nền tảng thương mại xã hội bao gồm TikTok có một tuần để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của họ nhằm tuân thủ quy định mới.

Nhà chức trách Indonesia trong những tuần gần đây đã nhiều lần kêu gọi các công ty không kết hợp mạng xã hội với hoạt động thương mại điện tử, cơ quan quản lý sẽ không cho phép hành vi lũng đoạn trên mạng xã hội ảnh hưởng đến người bán hàng ngoại tuyến. Quan điểm này cũng được biết đến như đặc biệt nhắm vào ứng dụng video ngắn TikTok của Trung Quốc.

Ba tháng trước, TikTok cho hay trong vài năm tới sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, để xây dựng nền tảng thương mại điện tử trên TikTok.

TikTok có 125 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Indonesia, nền tảng này đang cố gắng để đây có thể thành cơ sở người dùng khổng lồ và là nguồn doanh thu quan trọng cho hoạt động thương mại điện tử của công ty.

Công ty mẹ của TikTok là công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh.

TikTok không đưa ra bất kỳ bình luận nào cho Reuters về vấn đề này. Nhưng hôm thứ Hai, họ cho biết Chính phủ Indonesia nên xem xét sinh kế của hơn 6 triệu người bán bản địa có gian hàng trên TikTok.

Trước đó, luật pháp Indonesia không điều chỉnh các hoạt động tiếp thị trực tiếp trên mạng xã hội như TikTok, Facebook hay Instagram.

Những tháng gần đây Mỹ và nhiều nước khác đã thúc đẩy đánh giá bảo mật nghiêm ngặt đối với TikTok, tập trung vào bảo mật dữ liệu người dùng của công ty truyền thông xã hội Trung Quốc này, ngoài ra là vấn đề mối quan hệ của công ty này với công ty mẹ ByteDance tại Bắc Kinh.

Indonesia là một trong những thị trường nước ngoài lớn nhất của TikTok, cũng là nơi đầu tiên nền tảng truyền thông xã hội [TikTok] tham gia vào thương mại điện tử. Tuy nhiên, Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á thông qua hành động lập pháp nhằm ngăn chặn các hoạt động bán hàng trực tiếp trong không gian thương mại mạng xã hội như TikTok.

Mộc Vệ (theo VOA)