Hàng năm, sau tháng 11,  tỷ giá USD sẽ ổn định hoặc giảm. Liệu năm nay quy luật có lặp lại?

tra no lai vay
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Đồng USD mạnh khiến tỷ giá các đồng tiền đều tăng

Trong 6 năm qua, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index – một thước đo sức mạnh của đồng USD trên thị trường tiền tệ giao ngay – năm nào cũng giảm trong tháng 12, với mức bình quân khoảng 1,4%.

Cũng trong 6 năm qua, có 4 năm mà đợt giảm giá cuối năm của USD bắt đầu từ tháng 12. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quy luật giảm giá USD khó có thể xảy ra trong năm nay.

“Nếu so với 5 năm trước, chênh lệch lãi suất thực tế hiện nay đang ủng hộ đồng USD rất nhiều. Bởi vậy, môi trường này không còn thuận lợi đối với các nhà giao dịch muốn bán khống USD.

Rõ ràng, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tỷ giá USD bây giờ vẫn là chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng có tiền lệ của Fed. Bổ sung vào đó là căng thẳng địa chính trị”, ông Vishnu Varathan – Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược của Mizuho Bank tại Singapore – nói với hãng tin Bloomberg.

Tỷ giá USD đang được hỗ trợ bởi xu hướng vững vàng của nền kinh tế Mỹ, nhất là trong tương quan so sánh với các nền kinh tế lớn khác của thế giới như châu Âu, Trung Quốc hay Nhật Bản.

Điều này đã khiến các nhà đầu cơ giá xuống USD hứng chịu thua lỗ không nhỏ trong năm nay. Bloomberg Dollar Spot Index đã tăng hơn 2% từ đầu năm, trong khi một chỉ số đo tỷ giá tiền tệ châu Á so với USD đã giảm khoảng 5%.

Xu thế Tỷ giá USD/VND cuối năm

Ở Việt Nam, thông thường tỷ giá sẽ được Ngân hàng Nhà nước bảo đảm và ổn định bằng tỷ giá trung tâm và hoạt động mua bán ngoại tệ từ nguồn dữ trữ ngoại hối quốc gia.

Với lợi thế của quốc gia xuất siêu, Ngân hàng Nhà nước đã khá thành công trong công tác điều hành tỷ giá. Tỷ giá thường sẽ đi ngang những tháng cuối năm, làm tham chiếu cho năm sau.

tygia ty gia
Biểu đồ: Hoàng Mai tổng hợp/nguồn Vietcombank

Tuy nhiên, kể từ năm 2022, trước những động thái của Fed và chính sách thắt chặt tiền tệ, việc tăng lãi suất điều hành của nhiều Ngân hàng Trung ương đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, giá xăng dầu, hàng hóa tăng cao, lạm phát nhiều nước vượt quá mức kiểm soát.

Trước tình hình đó, NHNN đã phải thực hiện nhiều giải pháp can thiệp để duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Từ ngày 17/10/2022, NHNN đã ban hành quyết định số 1747/QĐ-NHNN điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá giao ngay của các Tổ chức tín dụng so với Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước từ ±3% lên ±5%. Biên độ cho phép lớn hơn cũng giúp tỷ giá bám sát thị trường hơn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ giá USD/VND đã không ngừng tăng lên. Tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại đã tăng trên 4% so với thời điểm đầu năm và không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, khối các quỹ ngoại liên tục rút khỏi thị trường gây áp lực không nhỏ lên tỷ giá. Để ngăn chặn dòng tiền đầu cơ tỷ giá, từ cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu ngắn hạn, lãi suất cạnh tranh để hút tiền về. Hiện nay, dòng tiền tín phiếu tiếp tục được quay vòng để kiếm chế đà tăng tỷ giá.

Các chuyên gia cho rằng, tỷ giá cuối năm nay khó thể tuân theo quy luật giảm, ngược lại vẫn có thể tiếp đà tăng lên.

 Hoàng Mai