Để bù đắp thiếu điện miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất nhanh chóng đàm phán để nhập khẩu điện của Lào. Theo kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào.

nha may thuy dien namkong 2 viet nam nhap khau dien tu Lao EVN nhap khau dien tu Lao 1
Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào thông qua hai cụm Nhà máy Thủy điện Nam Kong 1,2,3 và Nam Emoun (Ảnh: Nhà máy Thủy điện Nam Kong 2/hobomaps.com)

Tập đoàn EVN mới đây kiến nghị Bộ Công thương xem xét đẩy nhanh việc nhập khẩu điện từ Lào, cũng như phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các nhà máy điện gió, thủy điện như Nậm Mô, Houay Koauan với tổng công suất trên 225 MW và phương án đấu nối với dự án điện gió Savan 1 và 2, báo VnExpress đưa tin.

Theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào đến 2025 và khoảng 5.000 MW vào 2030 và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép.

Việc thúc nhập khẩu này diễn ra trong bối cảnh từ nay tới năm 2025 chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành, dẫn tới nguy cơ miền Bắc thiếu điện vào cao điểm mùa khô hai năm tới.

Hiện có 6 nhà máy điện được Thủ tướng chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào, tổng công suất 449 MW. Trong số này, 4 dự án (công suất 249 MW) đang được Công ty Mua bán điện – đơn vị trực thuộc EVN – đàm phán PPA với chủ đầu tư.

Còn lại chủ đầu tư 2 nhà máy thủy điện Nậm Kông 1 (160MW) và Nậm Mouan (100MW) thông báo ngừng bán.

Ngoài Lào, Việt Nam còn mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV. Vào cao điểm nắng nóng tại miền Bắc vừa qua, lượng điện nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc khoảng 11 triệu kWh một ngày, bằng 1/10 nhu cầu sử dụng ở khu vực này.

Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Tập đoàn EVN ước tính lỗ thêm hơn 28.700 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2023. Nếu tính lũy kế năm ngoái, tổng số lỗ dự kiến khoảng 55.000 tỷ đồng (khoảng 2,24 tỷ USD).

Tập đoàn này liên tục xin tăng giá để bù đắp việc thua lỗ, Bộ Công thương cũng đề xuất đưa các khoản lỗ của EVN vào công thức tính giá bán lẻ điện bình quân.

EVN cho biết đang cắt giảm chi phí không cần thiết, tuy vậy cũng đề xuất tiếp tục tăng giá bán (đã tăng 1 lần từ ngày 4/5/2023, thêm 3%).

Theo báo cáo từ EVN, năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, tập đoàn không thể trả nợ đúng hạn; các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.

Tuấn Minh