Theo kết quả thanh tra trong giai đoạn 2013 – 2017, nhiều ngân hàng đã vi phạm về quy định cho vay vốn. Trong đó, ngân hàng Sacombank đã cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,5% vốn tự có (tương ứng hơn 9.260 tỷ đồng) của tổ chức tín dụng này.

ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tăng lãi suất ngắn hạn 278921420
(Ảnh minh họa: Vietnam Stock Images/Shutterstock)

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận về việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn năm 2013 – 2017. Ngoài Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại và phát hiện nhiều sai phạm về cho vay tại ngân hàng Việt Á (VietABank), Quốc Dân (NCB), Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Bắc Á (BacABank) và Sài Gòn Thương tín (Sacombank), theo Vnexpress.

Theo quy định, một khách hàng chỉ được vay tối đa 15% vốn tự có của một tổ chức tín dụng.

Tuy vậy, theo Thanh tra Chính phủ, các tổ chức tín dụng này có tình trạng cho vay tập trung một khách hàng, một số dự án thông qua các khách hàng độc lập để tránh vi phạm quy định.

Nhóm ngân hàng nêu trên cũng cho vay để góp vốn vào các công ty con, mua lại phần vốn góp của các cổ đông công ty sở hữu dự án.

Mặt khác, một số chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi nhưng không bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu đúng quy định.

Tại ngân hàng Sacombank, tổng dư nợ tín dụng với 16 khách hàng của nhà băng này tại đến ngày 31/12/2017 là 15.372 tỷ đồng, và giảm về còn 15.218 tỷ đồng vào 31/8/2018.

Sacombank đã cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,5% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỷ đồng.

Cụ thể, 9 doanh nghiệp này gồm: CTCP Him Lam Thủ Đô, Công ty cổ phần Đầu tư Hồng Bàng, CTCP Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, CTCP Đầu tư Nam Thắng, CTCP Thương mại xây dựng Công Phúc, CTCP Hạ tầng Bảo Tín, CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, CTCP Việt Hà và CTCP Hiệp Ân.

Theo cơ quan thanh tra, mục đích vay của 9 khách hàng nêu trên để nhận chuyển nhượng và đầu tư cùng 1 dự án là khu đô thị Sài Gòn Bình An.

Trong khi đó, việc thẩm định năng lực tài chính để thực hiện dự án chỉ dừng lại ở 9 khách hàng vay vốn, không thẩm định với đơn vị thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro.

Đến thời điểm thanh tra, dự án đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý đất đai.

Với ngân hàng Bắc Á, các vấn đề được chỉ ra như ngân hàng thẩm định, phê duyệt cho vay khi khách hàng chưa đáp ứng điều kiện về khả năng tài chính để trả nợ và phương án dùng vốn khả thi; không có tài sản đảm bảo trong khi tài chính khách hàng khó khăn; chậm trả nợ lãi nhưng không chuyển nợ quá hạn,…

Ngân hàng này cho loạt khách hàng “họ TH” vay: Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH, Công ty CP Thực phẩm sữa TH, Công ty CP Sữa TH, Công ty CP Phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An, Công ty CP Dược liệu TH…

Tương tự, tại Techcombank, khi kiểm tra 19 hồ sơ cấp tín dụng với tổng dư nợ cuối tháng 8/2018 là 34.199 tỉ đồng (chiếm 20% tổng dư nợ), cơ quan thanh tra cũng phát hiện nhiều sai phạm. Đáng chú ý, ngân hàng này cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp với 7 khách hàng, dư nợ gần 20.100 tỷ đồng

Đức Minh