Theo Bộ Tài chính, vụ việc thanh tra 4 doanh nghiệp (DN) bảo hiểm đã cho thấy nhiều vi phạm quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất cũng cao bất thường, có nơi đến 73%, tức 100 hợp đồng ký kết thì kết thúc năm đầu tiên sẽ có khoảng 73 trường hợp không tiếp tục đóng phí nữa và hủy hợp đồng.

bao hiem nhan tho ngan hang
Năm 2022, đã có gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã được bán qua kênh ngân hàng, chiếm tới 46% doanh số. (Ảnh minh họa: sdx15/Shutterstock)

Trong bối cảnh nhiều người dân tố cáo hành vi tư vấn sai lệch dẫn đến nhiều hậu quả, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra 4 DN bảo hiểm gồm: Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty Prudential, Công ty Sun Life Việt Nam và Công ty MB Ageas.

Trong đó, Bộ Tài chính cho biết từng DN có tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau năm thứ nhất. Cụ thể, Sun Life có tỷ lệ hủy tại Ngân hàng Tiên Phong (TPB) cao nhất lên đến 73%, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng đạt gần 2.400 tỷ đồng.

Doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt hơn 1.907 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua Ngân hàng ACB đạt gần 1.250 đồng và Ngân hàng Tiên Phong (TPB) đạt gần 790 tỷ đồng.

Năm 2021, Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua hai ngân hàng này. Trong đó, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của hợp đồng bán qua TPB là 73%, còn qua ACB là 39%.

Tiếp theo là Prudential, DN này bán bảo hiểm thông qua 8 ngân hàng là: VIB, MSB, Seabank, Vietbank, PVcombank,… với doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng của Prudential đạt hơn 6.184 tỷ đồng.

Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 3.700 tỷ đồng. Số hợp đồng mới mà Prudential phát hành qua các nhà băng này là hơn 94.430 hợp đồng.

Tỷ lệ duy trì hợp đồng của Prudential sau năm thứ nhất đối với các hợp đồng bán qua ngân hàng (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.

Theo Bộ Tài chính, BIDV Metlife bán bảo hiểm qua ngân hàng cùng hệ thống là BIDV. Trong năm 2021, công ty bảo hiểm này có doanh thu phí bảo hiểm bán qua BIDV đạt 1.553 tỷ đồng.

Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới bán qua BIDV đạt 452,6 tỷ đồng với hơn 21.100 hợp đồng. Song tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm thứ nhất lên tới hơn 39%.

Còn với MB Ageas, trong thông báo kết luận thanh tra, Bộ Tài chính cho hay doanh nghiệp này bán bảo hiểm qua Ngân hàng MB và Công ty tài chính MB Shinsei (hay Công ty tài chính M.Credit).

Năm 2021, MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua ngân hàng. Tình hình hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất của các hợp đồng bảo hiểm phát hành qua ngân hàng là 32,4%.

Trước đó, tại buổi họp báo hôm 24/4 diễn ra ở TP.HCM, ông Ngô Trung Dũng – Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết năm 2022, đã có gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã được bán qua kênh ngân hàng, chiếm tới 46% doanh số khai thác mới trong tất cả các kênh bán bảo hiểm.

Đức Minh