Hôm Chủ nhật (14/4), Thủ tướng Đức Scholz đã dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp đến Trùng Khánh để bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Giám đốc tài chính Tập đoàn Siemens cho biết các công ty Đức sẽ khó thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Olaf Scholz Tap Can Binh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Trung Quốc hôm 14/4/2024. (Ảnh chụp màn hình video, Thủ tướng Olaf Scholz và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình)

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin, tháp tùng cùng Thủ tướng Scholz trong chuyến thăm Trung Quốc còn có 3 bộ trưởng nội các và giám đốc điều hành từ các công ty hàng đầu của Đức như Siemens, Bayer, Mercedes-Benz, BMW và Thyssenkrupp.

Theo Financial Times, Giám đốc tài chính Ralf Thomas của Siemens cho biết sẽ phải mất “hàng thập kỷ” để các nhà sản xuất Đức giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, phát biểu này nêu bật những khó khăn mà các công ty phương Tây phải đối mặt, cho thấy sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc trong vai trò là thị trường và cũng nhà cung cấp nguyên vật liệu.

Ông Ralf Thomas lưu ý: “Chuỗi giá trị toàn cầu đã được xây dựng trong 50 năm qua… Bạn phải ngây thơ như thế nào để tin rằng điều đó có thể thay đổi được trong vòng 6 hoặc 12 tháng? Cần mất vài chục năm!”

Bình luận này được đưa ra sau khi một báo cáo của Viện Kinh tế Đức cho thấy, kể từ năm 2022, các công ty Đức đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc “giảm” tiếp xúc và giảm phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ  Trung Quốc.

Theo cơ quan thống kê của Đức, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, thương mại hàng hóa giữa hai nước vào năm 2023 dự kiến ​​đạt 254 tỷ euro. Mối quan hệ từ các tập đoàn lớn nhất như Volkswagen AG và BASF kéo dài đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức, từ lâu đã được coi là trụ cột cho sức mạnh kinh tế của Đức và là hình mẫu cho toàn cầu hóa.

Hiện nay nhiều nhà đầu tư và chính trị gia Đức coi mối quan hệ này như gánh nặng. Ví dụ, Bundesbank năm ngoái đã cảnh báo việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc là nguyên nhân khiến “mô hình kinh tế Đức nguy hiểm”. Ngoại trưởng Đức Annalena Berbock tháng Bảy năm ngoái đã kêu gọi các công ty Đức giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trước đó công ty Siemens đã bảo vệ hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc, đã công bố ý định mở rộng thị phần. Nhận xét mới nhất của giám đốc Tài chính Siemens được đưa ra khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Trung Quốc vào Chủ nhật cùng với một phái đoàn doanh nghiệp cấp cao – bao gồm CEO của Siemens và ông chủ sắp tới của BASF – hãng hóa chất lớn nhất thế giới.

Đại diện Chính phủ Đức cho biết: “Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng ý định của chính phủ khóa này là giảm thương mại với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục phát triển thương mại với Trung Quốc trên cơ sở tính đến giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa hoạt động… Đối với vấn đề phụ thuộc nguy hiểm, chúng ta phải giải quyết vấn đề đó”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi không muốn tự đóng cánh cửa của mình, thay vào đó là cần xây dựng mối quan hệ đối tác cân bằng”.

Tờ Financial Times cho biết, một báo cáo khác do Viện Kiel công bố trong tuần này ước tính trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cho các ngành công nghiệp trong nước, bao gồm BYD và các công ty khác, cao gấp 3 – 9 lần so với các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – một tổ chức kinh tế quốc tế gồm 38 nước thành viên.

Ông Thomas của Siemens cho biết công ty đã quyết định “không thể vắng mặt [ở Trung Quốc]”. Ông nói thêm rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đối thủ cạnh tranh bản địa Trung Quốc là một “thách thức”, và “ai có thể chịu được sức nóng của căn bếp Trung Quốc thì người đó sẽ thành công ở nơi khác”.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc vào tuần trước đã đăng một bài xã luận về chuyến thăm của phái đoàn Đức, thừa nhận rằng mối quan hệ giữa hai nước “phải đối mặt với một số thách thức, chẳng hạn như vấn đề tiếp cận thị trường và cạnh tranh công bằng”. Bài xã luận viết: “Tuy nhiên, những thách thức này không phải là cái cớ để hợp tác song phương đi chệch hướng tích cực”.

Chuyên gia: Cạnh tranh Trung-Đức sẽ ngày càng gay gắt, một cơn bão hoàn hảo đang ập đến

Trên thực tế, Đức cũng như Mỹ đều nhận thức được mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). “Chiến lược Trung Quốc” đầu tiên của Đức công bố vào tháng Bảy năm ngoái tuyên bố rằng ĐCSTQ đe dọa toàn cầu, mục tiêu của chiến lược này là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong các lĩnh vực trọng điểm. “Chính phủ liên bang đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc”; điều này nhất trí với trong lời kêu gọi định hướng chiến lược “giảm thiểu rủi ro” của EU đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, vào năm 2023, khi các quốc gia khác đang rút khỏi Trung Quốc, đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục gần 12 tỷ euro. Theo dữ liệu từ viện nghiên cứu kinh tế nổi tiếng IW Köln, đầu tư của Đức vào Trung Quốc từ năm 2021 đến năm 2023 đã vượt quá số lượng đầu tư trong 5 năm từ 2015 đến 2020.

Đối với các công ty hàng đầu của Đức như Siemens và Volkswagen đã bắt đầu đầu tư vào Trung Quốc từ 40 năm trước, Trung Quốc hiện đã trở thành trụ cột trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của họ. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng 50% doanh số bán xe toàn cầu của Volkswagen.

Ông Sébastien Jean, giáo sư tại Trường Thủ công và Nghệ thuật Quốc gia Pháp, xác nhận với Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) rằng: Các công ty này không ủng hộ chính sách “giảm rủi ro” do EU chủ trương “Có vẻ như nếu không có Trung Quốc, họ không thể nhìn thấy tương lai. Họ giống như bị Hội chứng Stockholm thôi thúc họ đặt cược gấp đôi, tin chắc rằng cuối cùng họ sẽ thoát khỏi tình trạng khó khăn.”

Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Scholz, nhà kinh tế Jürgen Matthes tại Viện Kinh tế Đức, đề xuất trên kênh N-tv của Đức: “Việc giảm dư thừa công suất và hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc nên được ưu tiên trong chuyến đi này”. Ông tin rằng thủ tướng có khả năng đàm phán với nền kinh tế Trung Quốc hiện đang “tê liệt” và thiếu vốn đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, Bắc Kinh cần Đức. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn, trong khi Mỹ và Châu Âu đang đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn. Ngày 10/4, Fitch Ratings đưa ra báo cáo, giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc nhưng điều chỉnh triển vọng xếp hạng từ “ổn định” thành “tiêu cực”.

Một số chính trị gia ở Đức cho rằng Đức nên có hành động rút quân khỏi Trung Quốc. Nghiên cứu gần đây của Viện Kiel cho thấy việc cắt đứt quan hệ lớn với Bắc Kinh sẽ khiến nền kinh tế Đức sụt giảm khoảng 5%, tương đương với cuộc suy thoái mà Đức phải trải qua sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc đại dịch COVID-19. Nói cách khác, nó sẽ tàn khốc chứ không gây tử vong.

Ông Moritz Schularick của Viện nghiên cứu Kiel nói: “Đất nước của chúng tôi đủ kiên cường để đối phó với những tình huống khắc nghiệt như vậy.

Ông Noah Barkin, chuyên gia về quan hệ EU-Trung Quốc tại Rhodium Group, dự đoán: “Một cơn bão hoàn hảo đang ập đến. Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Đức sẽ chỉ ngày càng gay gắt, điều này chắc chắn sẽ buộc Berlin phải có lập trường cứng rắn chống lại Bắc Kinh. Vấn đề là khi nào? Thời gian không chờ đợi người.”

Mộc Vệ (t/h)