Giá bạc giao ngay trên thị trường Úc đã tăng 7,4% lên mức 28,99 USD/ounce (1 ounce = 28,35 gram), mức cao nhất kể từ tháng 8, sau khi cộng đồng Reddit hướng sự chú ý đến việc siết chặt nguồn cung kim loại này.

Embed from Getty Images

Thứ Sáu tuần trước (29/1), khối lượng giao dịch và giá bạc trên sàn giao dịch chứng khoán Úc tăng vọt, tuy nhiên đây chỉ là động thái mở màn cho những gì diễn ra vào đầu tuần này.

Theo chân ‘cuộc bùng nổ’ tại Mỹ khiến giá cổ phiếu GameStop tăng 1.500% trong 2 tuần qua, thứ Hai (1/2) giá bạc cũng đã ‘leo’ lên mức cao nhất trong 5 tháng gần đây. Giá cổ phiếu của các công ty khai thác bạc nhỏ được niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Úc cũng tăng cao sau khi các phương tiện truyền thông xã hội kêu gọi thu mua kim loại này.

Cụ thể, giá bạc giao ngay tăng 7,4% lên 28,99 USD/ounce, mức cao nhất kể từ giữa tháng 8. Cổ phiếu của một số công ty khai thác bạc như Argent Minerals, Boab Metals và Investigator Resources đã tăng hơn 15%.

Các trang kinh doanh tiền kim loại cũng chứng kiến một nhu cầu chưa từng có và báo động về khả năng giao hàng chậm trễ. Những động thái này là ví dụ mới nhất về việc các nhà đầu tư ngắn hạn mua vào hàng loạt, đặc biết là đối với các cổ phiếu và tài sản bị đánh giá thấp, dẫn đến thiệt hại lớn cho các tập đoàn tài chính kỳ cựu.

Những ngày cuối tuần vừa qua, tin tức tràn ngập về việc cộng đồng Reddit đã khiến các quỹ phòng hộ (hedge funds) vốn sử dụng chiến lược bán khống cổ phiếu GameStop, AMC và các cổ phiếu khác phải nhận lấy một bài học ‘đau đớn’. Vụ việc này vẫn chưa hạ màn thì họ đã hướng sự chú ý sang thị trường bạc, các nhà đầu tư đã đẩy giá bạc nguyên chất hoặc bạc pha loãng lên cao sau khi thị trường mở cửa vào đầu tuần.

Ông Kyle Rodda, một nhà phân tích của công ty môi giới IG Markets tại Melbourne, cho biết: “Hiện tại có một tình huống gây hiếu kỳ khi đám đông Reddit đã bắt đầu hướng tầm nhìn của mình vào một ‘ván bài’ lớn hơn, bằng cách xúc tác hiệu ứng ‘bán non’ (short squeeze) trên thị trường bạc.”

Ông nói: “Yếu tố then chốt ở đây là bạc đang bị bán khống lượng lớn, [trong khi] lượng tiền giấy trên thị trường lại dư thừa rất nhiều so với khả năng mà tài sản cơ sở (được hiểu là bạc) có thể đáp ứng.”

Hiện tượng này được thúc đẩy bởi một thực tế rằng, có rất ít nhà đầu tư ‘tay ngang’ dám tham gia vào thị trường bạc trên các sàn giao dịch Úc, khu vực này đã bị ‘bỏ ngỏ’ trong hơn 2 thập kỷ do thiếu sự quan tâm của những ‘người chơi’.  Do đó, các tập đoàn tài chính lớn ở Phố Wall được cho là đang nắm giữ những vị thế bán khống bạc khổng lồ và kìm hãm giá kim loại này.

Điều này tạo động lực cho các nhà đầu tư ở Mỹ, hầu hết trong số họ dường như là độc giả trên các diễn đàn Reddit, muốn cho các ‘ông lớn’ Phố Wall một bài học bằng cách lợi dụng sơ hở của thị trường bạc.

Họ đang giục nhau mua bạc hoặc mua các hợp đồng tương tai (futures contract) với mục đích đợi đến ngày đáo hạn để yêu cầu phía bên kia giao hàng thật (thay vì thoát khỏi vị thế sớm và chốt lời như bình thường). Hợp đồng tương lai là một loại hợp đồng chuẩn hóa giữa hai bên nhằm trao đổi một tài sản cụ thể có chất lượng và khối lượng chuẩn hóa với giá thỏa thuận hôm nay, nhưng lại giao hàng vào một thời điểm cụ thể trong tương lai (ngày đáo hạn hợp đồng).

Điều này ép giá bạc tăng cao và gây ‘đau đớn’ cho các tập đoàn chạy theo chiến lược bán khống. Có một điều cần lưu ý là lượng bạc thật ở Mỹ đang bị thiếu hụt. Các nhà đầu tư tin rằng khối lượng bạc được giao dịch trên các hợp đồng giấy đang lớn hơn rất nhiều (khoảng 250 lần) so với lượng bạc hiện có trên thực tế.

Một số chuỗi cung cấp vàng bạc lớn của Hoa Kỳ đã đăng thông báo trên websites rằng họ không còn bạc để bán do phát sinh “nhu cầu chưa từng thấy”. Bản tin trích dẫn nhận định của các nhà môi giới chứng khoán cũng cho biết những người đang nắm giữ bạc hiện đã ngừng bán, và không còn hàng trong kho.

Hiện tượng mới nhất này khiến các nhà phân tích nhận định rằng, những người đang chiến đấu chống lại các ‘ông lớn’ đã chuyển từ việc “Chiếm Phố Wall” sang một cái gì đó giống như là “Làm Phố Wall phá sản”.

Nhiều người ví sự kiện như một hình thức khác của ‘Tinh thần Trump’ – anh hùng nhỏ bé đối đầu với những gã khổng lồ. Các ngân hàng và quỹ phòng hộ được so sánh với ‘chính phủ ngầm’ vì họ cũng muốn giữ tất cả quyền lực và tiền bạc cho riêng mình.

Một số nhà đầu tư tham gia vào trào lưu GameStop đã đăng những câu chuyện giãi bày nguyên nhân họ chống lại các quỹ đầu tư là do thực tế rằng, các thành viên trong gia đình họ đã mất tất cả trong cuộc khủng hoảng tài chính kinh hoàng vào năm 2008, trong khi các quỹ đầu tư thì lại nhận được hàng tấn tiền cứu trợ.

Đúng là các nhà giao dịch nhỏ lẻ sẽ kiếm được khoản lợi nhuận kha khá qua chiến lược này, nhưng điều họ thật sự muốn nhắm đến là một viễn cảnh khi Phố Wall bắt đầu biết sợ hãi và e dè. Tuần trước là GameStop và bây giờ là bạc.

Hiệu ứng ‘bán non’ thật sự đã thổi một ‘cơn lốc’ qua các kho dự trữ bạc địa phương, dù cho thực tế rằng họ vẫn có khả năng khai thác thêm bất kỳ kim loại nào.

Người ta nói rằng nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi và sản xuất công nghiệp đang quay trở lại như đã thấy ở Trung Quốc (nếu có thể tin được số liệu). Kinh tế phục hồi có nghĩa là nhu cầu đối với bạc khi xem nó như một kim loại công nghiệp cũng sẽ tăng lên, cho nên trước sau gì giá bạc cũng sẽ tăng.

Do đó, bất kể biện pháp ngắn hạn nào nhằm xoay sở trong tình huống hiện tại cũng chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Vy An (t/h)

Xem thêm: