Ùn tắc cửa khẩu phía Bắc khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn
- Quang Minh
- •
Tình hình ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, số lượng xe “mắc kẹt” tại cửa khẩu Lạng Sơn đã lên đến hơn 5.000 chiếc. Thực trạng ùn tắc “đến hẹn lại lên” vào dịp cuối năm này gây ra rất nhiều thiệt hại về thời gian và tài sản cho doanh nghiệp.
Theo thông tin cập nhật từ báo Hải quan Online, đến 17:00 chiều ngày 16/12, số lượng xe ùn tắc tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn lên đến hơn 5.000 chiếc. Cụ thể: tại cửa khẩu Tân Thanh, tình trạng ùn ứ các xe hàng tăng mạnh tới gần 4.000 container, cửa khẩu Chi Ma gần 700 container, và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khoảng 500 container. Những con số trên cho thấy, đây là đợt ùn ứ hàng hóa lớn nhất từ trước tới nay tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Các mặt hàng tồn chủ yếu tại cửa khẩu Tân Thanh là dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít và xoài. Trong khi đó, mặt hàng tồn chủ yếu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử,… Còn tại khu vực cửa khẩu chính Chi Ma là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân, cây cút mây, cau khô, nhựa thông, phế liệu kén tằm…
Kể từ sáng ngày 15/12, phía Trung Quốc có thông báo đóng cửa khẩu, không tiếp nhận hàng nhập khẩu từ phía Việt Nam. Phía Trung Quốc cũng chỉ cho biết sẽ mở trở lại khi có thông báo cụ thể. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, phía Trung Quốc đã đóng cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chài được 2 ngày và không có thời gian cụ thể mở trở lại, báo Hải quan Online cho biết.
Theo báo Kinh tế Sài gòn Online phân tích, dựa vào công bố của cơ quan chức năng, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có năng lực thông quan khoảng 150-200 xe, cửa khẩu Chi Ma là 35-40 xe và cửa khẩu Tân Thanh là 180-200 xe/ngày. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Quảng Ninh cao hơn, khoảng 400 xe/ngày.
Như vậy, mỗi ngày hàng nông sản thông quan qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn tối đa là 440 xe, tương đương phải mất hơn 11 ngày nữa mới thông quan hết xe nông sản ùn ứ hiện nay với điều kiện giả định các xe nông sản phía Nam không tiếp tục tiến ra cửa khẩu phía Bắc. Dễ nhận thấy, năng lực thông quan của các cửa khẩu quá ít so với số lượng xe đổ về, câu chuyện “ùn tắc” này hầu như năm nào cũng tái diễn.
Theo quan sát, rất nhiều xe nông sản hiện nay đã nằm chờ 5-10 ngày qua, nông sản mùa này có các loại như: dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài, hạt vừng, hạt sen,… Các mặt hàng như dưa hấu, thanh long hay mít mà tồn 5-10 ngày, chưa kể mấy ngày vận chuyển từ Nam ra Bắc thì sẽ hư hại rất nhiều.
Nếu tiếp tục đợi sẽ mất trắng, một số chủ xe đành quay đầu về các thành phố gần biên giới để bán sỉ, lẻ, bán xả hàng ngay tại các lề đường với hy vọng kiếm đủ tiền dầu và tiền công cho tài xế. Điển hình như mít, mỗi xe thương lái bán lỗ có thể lên tới 200 triệu đồng (nhiều mặt hàng còn đắt giá hơn mít mà không thể bán tháo như sa nhân, cau khô, hạt sen và vừng), nhẫm tính với 5.000 xe đang “nằm chờ” thông quan, khả năng thua lỗ của thương lái có thể hơn 1.000 tỷ đồng.
Chia sẻ câu chuyện khó khăn của mình trên báo Dân Việt, anh Hoàng Văn Pháo (thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đang dỡ hàng trước ngã tư Phai Trần để bán lẻ cho người đi đường, cũng là để giải phóng xe container, cho lái xe về.
Anh Pháo chia sẻ: “Một xe container mít này là 24 tấn, nhập ở Cai Lậy – Tiền Giang. Do thời điểm nhập cách đây 3 tuần thì thị trường xuất đi Trung Quốc đang tốt, nên tiền phải trả 1 lần thì chủ vựa mới cho xe hàng chạy. Tính từ ngày 28/11 đến hôm nay (ngày 16/12), xe đi vòng xuống Móng Cái – Quảng Ninh, xếp hàng gần chục ngày, không có hi vọng gì. Sau đó, xe lại chạy về Tân Thanh – Lạng Sơn, cũng hết hy vọng”.
Anh Pháo tạm tính, với một xe container như thế này, anh thiệt hại 400 triệu đồng, gồm 130 triệu tiền cước xe và 270 triệu tiền hàng. Hiện tại, gia đình anh Pháo đang có 20 xe hàng như vậy nằm ở bãi xe của cửa khẩu Tân Thanh. Hiện số mít bị hỏng khá nhiều. Số mít còn ngon, anh bán lẻ cho người dân với giá 10.000 đồng/kg nhằm gỡ gạc lại phần nào.
“2 căn nhà của mình cũng đã đặt ở ngân hàng để lấy vốn đi buôn, hằng tháng đều phải trả hơn 30 triệu đồng tiền lãi,” anh Pháo vừa nói vừa chực khóc.
Theo xe thanh long 28 tấn từ huyện Bến Lức, Long An ra đến cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, anh Trương Văn Bách đã nằm kẹt ở đây hơn 10 ngày.
“Nằm kẹt ở đây thì ngủ ngay ở trên cabin xe, nhưng trời lạnh quá, không quen khí hậu ngoài Bắc nên thấy rất mệt mỏi. Chuyện ăn uống thì cũng không đáng lo vì dân xe đường dài khắc phục được, có xoong nồi tự nấu. Tắm rửa vệ sinh thì tương đối bất tiện. Giờ chỉ muốn bán rẻ để chạy về sớm, chỉ cần đủ trả tiền cước xe để về thôi”, anh Bách chia sẻ.
Nhà báo Lê Thanh Hiền (bút danh), phóng viên thường trú một tờ báo tại Lạng Sơn, cộng tác viên của Kinh tế Sài Gòn Online “xót xa” chia sẻ, các thương lái hay chủ xe hàng không quan tâm nhiều đến các phát biểu của các quan chức và văn bản của các bộ ngành, bởi vì những khuyến cáo có cũng như không, không nói ai cũng biết. Ví dụ, nên hạn chế đưa hàng lên, trả lời trên báo đài thì kêu đa dạng thị trường xuất khẩu hay xuất chính ngạch giảm thiểu rủi ro. Lật lại các tin bài đăng báo ùn ứ nông sản ở biên giới phía Bắc cơ bản năm nào cũng có khuyến cáo giống nhau.
Do đó, bài toán ùn ứ nông sản ở biên giới phía Bắc hàng chục năm qua vẫn chưa có đáp án và chắc trong một thời gian khá dài nữa vẫn chưa có đáp án. Tuy nhiên, hậu quả thì càng về sau càng lớn do thị trường Trung Quốc tiêu thụ nông sản ngày một đòi hỏi gắt gao hơn về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm – nhà báo Lê Thanh Hiền nhận định.
Quang Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Lạng Sơn xuất khẩu nông sản Móng Cái xuất khẩu sang Trung Quốc ùn tắc cửa khẩu