Bộ Y tế tối 24/7 ghi nhận thêm 3.977 ca COVID-19, trong đó có 27 ca nhập cảnh và 3.950 ca trong nước tại 27 tỉnh thành.

covid 19 tphcm 19
Tối 24/7 thêm 3.977 ca COVID-19; TP.HCM lên kịch bản với 80.000 ca nhiễm. (Ảnh: HCDC)

3.950 ca ghi nhận tại: TP.HCM (3.326), Bình Dương (262), Đồng Nai (99), Bà Rịa – Vũng Tàu (63), Đồng Tháp (46), Bình Thuận (31), Đắk Lắk (24), Cần Thơ (23), Bình Định (12), Bến Tre (9), Ninh Thuận (8 ), An Giang (7), Phú Yên (5), Quảng Ngãi (4), Đắk Nông (4), Hà Nội (4), Vĩnh Phúc (3), Quảng Nam (3), Hậu Giang (3), Hà Nam (2), Bạc Liêu (2), Hà Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Cà Mau (2), Gia Lai (1), Thừa Thiên Huế (1).

Trong ngày 24/7, Việt Nam có 7.968 ca mắc mới, gồm 31 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước, chủ yếu tại TP.HCM (5.396), Long An (604), Bình Dương (785). Trong đó 2.428 ca cộng đồng.

Sở Y tế tỉnh Long An đăng ký bổ sung 1.288 ca bệnh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19. Đây là các ca bệnh đã được phát hiện từ ngày 14-22/7 tại các khu cách ly và khu phong tỏa.

Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

2.047 người được công bố bình phục trong ngày 24/7. Tổng số ca được công bố bình phục là 17.583 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU 130 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO 17 ca.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 98.990 xét nghiệm cho 410.862 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 5.107.861 mẫu cho 14.391.096 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.478.757 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.125.156 liều, tiêm mũi 2 là 353.601 liều.

TP.HCM lên kịch bản với 80.000 ca nhiễm

Sở Y tế TP.HCM hôm 22/7 thông báo điều chỉnh kế hoạch thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tình hình dịch bệnh bùng phát lan rộng, theo hệ thống 5 tầng điều trị.

Theo đó, trong trường hợp TP.HCM có 80.000 F0, tầng 1 là cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì, được cách ly tập trung tại các cơ sở của quận, huyện. Các cơ sở thuộc tầng này có nhiệm vụ sàng lọc người bệnh COVID-19 không có triệu chứng với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện để đưa về giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú theo quy định; chăm sóc và điều trị ban đầu các trường hợp COVID-19 có triệu chứng nhẹ; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.

Dự kiến tầng 1 sẽ thu dung khoảng 50% trong tổng số trường hợp F0. Theo phân bổ số giường điều trị tương ứng với các kịch bản, nếu TP.HCM có 50.000 F0 cần 25.000 giường, 80.000 F0 sẽ cần 40.000 giường và 100.000 F0 sẽ cần 50.000 giường.

Tầng 2 là các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19. Tầng này sẽ tiếp nhận các trường hợp F0 mới được phát hiện trong cộng đồng. Các bệnh viện này có nhiệm vụ điều trị trường hợp COVID-19 có triệu chứng, có bệnh lý nền kèm theo; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng trước khi chuyển viện.

Dự kiến tầng 2 sẽ thu dung khoảng 27% trong tổng số trường hợp F0. Theo phân bổ số giường điều trị tương ứng với các kịch bản, nếu TP có 50.000 F0 sẽ cần 13.500 giường, 80.000 F0 cần 21.600 giường và 100.000 F0 cần 27.000 giường.

Tầng 3 là những bệnh viện đa khoa hạng 2 được chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 ở mức cơ bản, chuyên tiếp nhận các ca F0 có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền. Bên cạnh đó, hồi sức cấp cứu (thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng và xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.

Dự kiến tầng 3 sẽ thu dung khoảng 10% trong tổng số trường hợp F0. Theo phân bổ số giường điều trị tương ứng với các kịch bản, nếu TP có 50.000 F0 sẽ cần 5.000 giường, 80.000 F0 cần 8.000 giường và 100.000 F0 cần 10.000 giường.

Tầng 4 là những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng 1 (và một vài bệnh viện hạng 2 nhưng phát triển chuyên khoa khá mạnh) được chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Để thực hiện chức năng này, ngoài việc cần thêm các trang thiết bị như tầng 3, các bệnh viện này cần được bổ sung máy thở chức năng cao, máy lọc máu liên tục.

Bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng có nhiệm vụ điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nặng do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm. Bên cạnh đó, hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) các trường hợp nặng.

Dự kiến tầng 4 sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0. Theo phân bổ số giường điều trị tương ứng với các kịch bản, nếu TP có 50.000 F0 sẽ cần 4.000 giường, 80.000 F0 cần 6.400 giường và 100.000 F0 cần 8.000 giường.

Tầng 5 là bệnh viện hồi sức COVID-19, đây là những bệnh viện được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp COVID-19 nguy kịch. Các bệnh viện này sẽ có đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh COVID-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế.

Dự kiến tầng 5 sẽ thu dung khoảng 5% trong tổng số trường hợp F0. Theo phân bổ số giường điều trị tương ứng với các kịch bản, nếu TP có 50.000 F0 sẽ cần 2.500 giường, 80.000 F0 cần 4.000 giường và 100.000 F0 cần 5.000 giường.

Lê Hoàn

Xem thêm:

TP.HCM đề nghị được hỗ trợ thêm 1.000 bác sĩ, 4.000 nhân viên y tế