Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết trong 7 tháng đầu năm 2022, Tổng thu Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 90% dự toán cả năm với hơn 106.000 tỷ đồng. Trong khi sắc thuế này có nhiều bất cập được đề xuất sửa đổi trong hơn 10 năm nhưng chưa thực hiện như: Tính thuế lũy tiến cao, giảm trừ gia cảnh ít hay dù thua lỗ vẫn phải nộp thuế khi giao dịch chứng khoán, bất động sản.

thuế TNCN người lao dộng gặp khó với thuế thu nhập cá nhân thuế TNCN bất cập 510203908
Người lao động gánh nặng thuế TNCN nhưng Luật vẫn chưa sửa đổi dù nhiều bất cập tồn tại trong suốt hơn 10 năm. (Ảnh minh họa: CatwalkPhotos/Shutterstock)

Theo báo cáo của Vụ ngân sách Nhà nước, trong 7 tháng năm 2022, Tổng thu Ngân sách Nhà nước ước đạt 1,09 triệu tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, khoản thu từ thuế TNCN đạt hơn 106.000 tỷ đồng, tăng 26,6% so cùng kỳ và đạt hơn 90% dự toán cả năm 2022.

Nhìn vào số thu thuế đạt cao như hiện tại, nhiều chuyên gia cho biết sắc thuế này tồn tại nhiều bất cập đã được đề xuất sửa đổi từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện.

Theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến gồm 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng. Cụ thể:

biểu thuế TNCN mức thuế TNCN thuế thu nhập cá nhân biểu thuế thu nhập cá nhân trithucvn.co
Biểu thuế TNCN 7 bậc với mức lũy tiến cao nhất đến 35%. (Ảnh: Trí Thức VN)

Theo báo Lao Động, nhiều ý kiến cho rằng quy định biểu thuế TNCN lũy tiến với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế dày cộng với thuế suất cao, điều này đang trở thành một áp lực rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh “bão giá” như hiện nay.

Khi thu nhập vừa tăng lên, vật giá cũng tăng cao và đồng nghĩa người lao động rơi vào bậc thuế cao hơn.

Bên cạnh đó, biểu thuế này nhiều hơn so với các nước trên thế giới, mức độ giãn cách giữa các bậc thấp còn khá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế, làm tăng số thuế phải nộp.

Ngoài ra, mức thuế suất cao nhất 35% hiện nay là khá cao, làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút lao động làm việc tại Việt Nam.

Đáng chú ý, khi giao dịch mua bán chứng khoán hay bất động sản, bên bán bắt buộc phải nộp thuế TNCN dù có thua lỗ.

TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế cho rằng chính sách thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán bất hợp lý trong suốt nhiều năm nay. Nhà đầu tư chứng khoán lỗ hay có lợi nhuận nhưng vẫn phải nộp thuế 0,1% trên doanh thu, còn đối với bất động sản là 2% giá trị chuyển nhượng, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Quy định này chỉ dễ cho cơ quan thuế nhưng gây bất lợi cho người dân. “Hơn nữa, lỗ mà vẫn phải nộp thuế cho thấy chính sách lạm thu, tận thu, trái với bản chất của thuế thu nhập là tính thuế trên phần lãi”, ông Tú nhận định.

Người dân bức xúc trước Luật thuế TNCN chậm sửa đổi năm này qua năm khác

Theo Luật, mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN hiện là 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Ngưỡng thuế này được cho là chưa phù hợp ngay từ khi điều chỉnh và áp dụng vì không đủ bảo đảm đời sống của người lao động, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố lớn với mức sinh hoạt đắt đỏ như Hà Nội, TP.HCM – báo Thanh Niên đưa tin.

Bên cạnh đó, quy định đối với người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được xem là người phụ thuộc. Điều này khiến cho nhiều người đang phải nuôi bố mẹ, anh chị em bị mất sức lao động, tàn tật… nhưng có trợ cấp 1 – 2 triệu đồng/tháng lại không được khấu trừ gia cảnh là người phụ thuộc.

“Giá cả hàng hóa thì tăng hằng ngày đẩy chi phí sinh hoạt tăng theo, trong khi thu nhập thì teo tóp khó khăn, vậy mà vẫn áp quy định thuế TNCN cách đây 10 năm. Không hiểu mấy ông nghĩ gì mà chưa chịu sửa đổi cho dân nhờ”, độc giả Trọng Nhân bức xúc.

Bạn đọc Thu Thủy cho biết: “Ngành thuế cần nhanh chóng có điều chỉnh phù hợp để còn khoan sức dân chứ cứ tận thu kiểu này thì sẽ gây bức xúc cho người dân vốn đã chịu áp lực với quá nhiều loại thuế phí rồi”.

Tuấn Minh