Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trên thị trường thế giới, hiện giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua. Trong khi đó, giá lúa gạo trong nước cũng ghi nhận có mức tăng, Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ kiềm chế sự ảnh hưởng này. Tuy vậy, giới đầu cơ tại quốc gia này thường khiến giá nông sản “nhảy múa” với việc thu mua số lượng lớn, tạo tâm lý đám đông.

xuat khau gao thu hoach lua lua gao viet nam 2334934745
Chính phủ Việt Nam lo ngại việc tăng xuất khẩu gạo giá cao sẽ đẩy giá lương thực trong nước leo thang, gây bất ổn. (Ảnh minh họa: CravenA/Shutterstock)

So với thời điểm Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, chỉ trong vòng nửa tháng qua, giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết trên thị trường thế giới, hiện giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 618 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, thấp hơn Thái Lan 7 USD/tấn. Gạo 25% tấm có giá 598 USD/tấn.

Tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Philipines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm. Tiếp đến là Trung Quốc với trên 16% và Indonesia chiếm 11,6% tổng lượng xuất khẩu.

Thị trường châu Âu tuy chỉ đạt tỷ lệ nhỏ khoảng 2%. Châu Phi chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày.

Trung bình mỗi ngày tăng từ 50 – 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 – 500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7.

Chính phủ Việt Nam cho biết một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng vừa ban hành Chỉ thị 24 yêu cầu các bộ ngành kiềm chế giá gạo trong nước, xử lý sớm tình trạng đầu cơ đẩy giá.

Tuy vậy, tại quốc gia này, giới đầu cơ vẫn có thể thường xuyên sử dụng các cách khác nhau để khiến giá nông sản “nhảy múa” hằng năm, trong đó cung nhiều hơn cầu là yếu tố khiến giá nông sản có thể rớt thảm.

Tuấn Minh