Theo chuyên gia sức khỏe, mỗi người có một mùi hương cơ thể đặc trưng, thường bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, giới tính, vấn đề sức khỏe và các loại thuốc đang sử dụng. Điều này có thể được phản ánh ra ở những nơi có tuyến mồ hôi, tiết ra mùi mồ hôi đặc biệt, nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý và ung thư. 

shutterstock 666173293
Khi cơ thể có mùi cơ thể  bất thường, hãy chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng, bệnh gan thận hay thậm chí là ung thư. (Ảnh: Shutterstock)

Nhìn chung, khi cơ thể bắt đầu có mùi rõ rệt, thường là do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, hoặc liên quan đến nhiễm trùng da.

Một số mùi đặc biệt của cơ thể đôi khi có liên quan đến các bệnh chuyển hóa mãn tính, các lỗi bẩm sinh của quá trình trao đổi chất, và thậm chí một số bệnh ung thư.

Ngày nay con người đối với bệnh tật như một cuộc chiến giành giật sự sống không hồi kết. Các tổ chức nghiên cứu về ung thư còn dựa vào khứu giác nhạy bén thiên phú của loài chó và một số động vật khác, huấn luyện chúng chẩn đoán ung thư. Chó, mèo được huấn luyện cách ngửi mùi của một số bệnh nhân ung thư, khi gặp các bệnh nhân ung thư khác, chúng có thể nhanh chóng phân biệt được mùi đó có giống với mùi đã học hay không để tìm ra bệnh nhân. Khả năng đặc biệt này của động vật được sử dụng để giúp bác sĩ chẩn đoán sớm cho bệnh nhân. Ngoài ra phương pháp này còn giảm thiểu đau đớn và chi phí cho bệnh nhân. 

Câu hỏi đặt ra là bản thân mỗi người liệu có thể tự nhận biết được những vấn đề sức khỏe của bản thân mà không thông qua y tế? Sau đây là 7 loại mùi cơ thể và dấu hiệu cảnh báo của bệnh mà bạn có thể tham khảo.

1. Mùi Amoniac hoặc Nước tiểu

Nếu gần đây bạn thấy mồ hôi của mình có mùi bất thường, có mùi nước tiểu hoặc mùi amoniac (NH3) thì bạn nên để ý về chức năng của gan và thận.

Những thay đổi về mùi cơ thể phổ biến hơn ở những người bị rối loạn chức năng gan và thận. Bác sĩ Liễu Bằng Trì tại Khoa Y học Gia đình, Bệnh viện Tân Quang, Đài Loan, chỉ ra rằng do sự chuyển hóa urê hoặc amoniac bất thường, những bệnh nhân như vậy sẽ có mùi ở những nơi có nhiều tuyến mồ hôi.

Armoniac là gì? Đó là hợp chất được tạo ra do vi khuẩn đường ruột của bạn tạo ra khi cơ thể bạn tiêu hóa và xử lý protein. Cơ thể xử lý amoniac như một chất thải và bài tiết qua gan.

Quá trình chuyển đổi amoniac thành urê diễn ra trong gan theo một quá trình được gọi là chu trình urê. Các mạch máu vận chuyển urê đi đến thận và được bài tiết qua nước tiểu.

Nếu urê không được đào thải ra ngoài, amoniac sẽ lắng đọng trong cơ thể. Những người có chức năng gan và thận kém, thậm chí bị suy, đôi khi cũng gặp vấn đề như vậy. Amoniac không thể chuyển hóa được sẽ thải ra ngoài qua hơi thở và mồ hôi.

Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ có mùi đặc biệt trong hơi thở, được gọi là “mùi hôi niệu” (uremic fetor). Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị bệnh thận mãn tính sau khi chạy thận nhân tạo có lượng amoniac trong hơi thở của họ giảm 10 lần.

2. Miệng có mùi hôi và chua 

cơ thể có mùi
(Ảnh Shutterstock)

Bản thân có thể tự cảm thấy miệng và mũi có mùi chua và thối, thường là do bệnh nha chu hoặc viêm xoang. Điều này chủ yếu liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn , chẳng hạn như Staphylococcus hoặc Streptococcus.

Một bài báo trên Tạp chí Tai mũi họng Iran cho thấy 80% đến 90% hơi thở có mùi xuất phát từ các vấn đề răng miệng như bệnh nha chu, và 10% còn lại đến từ các vấn đề khác như viêm xoang.

Khoang miệng có mùi hôi thối chủ yếu xuất phát từ các chất sunfua dễ bay hơi do vi khuẩn sinh ra phân hủy các protein trong khoang miệng. Thủ phạm hầu hết là bệnh nha chu mãn tính. Mô nha chu là nơi chính sản xuất các sulfua dễ bay hơi vì nó chứa đầy chất thải như vi khuẩn và thức ăn thừa.

Và khi các xoang bị viêm, sưng tấy và chất nhầy tích tụ trong hốc mũi cũng có thể khiến vi khuẩn trú ngụ ở những vùng khó làm sạch. Sản phẩm phụ của chúng được thở ra và gây hôi miệng dai dẳng.

Bác sĩ Liễu Bằng Trì cho biết thêm, qua lâm sàng cũng có một số bệnh nhân bị nhiễm trùng vòm họng, đặc biệt là nhiễm một số khuẩn lạc vi khuẩn đặc biệt và chúng cũng có thể có mùi tanh hoặc mủ.

3. Cơ thể có mùi chua

Một số bệnh nhân ung thư vú phàn nàn về mùi chua, như mùi của củ cải muối trên cơ thể. Bệnh nhân ung thư phổi và ung thư dạ dày cũng có vấn đề về mùi chua tương tự. 

Mùi hôi do ung thư thường bắt nguồn từ ba tình trạng: hoại tử, nhiễm vi khuẩn và dịch tiết (dịch rỉ viêm). Ví dụ, nếu vết loét phát triển tại vị trí khối u, nó có thể khiến vi khuẩn phát triển và tạo ra mùi hôi.

Bác sĩ Liễu Bằng Trì kể rằng ở phòng khám của ông có một bệnh nhân cảm thấy có mùi chua, có máu ở mũi hoặc miệng. Lúc đầu, bệnh nhân này nghĩ là bị viêm xoang hoặc viêm mũi dị ứng khiến khứu giác bất thường. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc kháng histamine và kháng sinh, những triệu chứng này vẫn còn.

Sau đó, bệnh nhân này còn có biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày thực quản, tăng tiết dịch vị và các triệu chứng dạ dày khác. Lúc này ông nghĩ rằng chính thuốc kháng sinh đã làm đau dạ dày của mình, ông tiếp tục đi khám và điều trị. Sau một thời gian vẫn thấy triệu chứng đau bụng không thuyên giảm, gần mũi họng vẫn còn ngửi thấy mùi chua và tanh, thậm chí những người xung quanh còn bắt đầu nói rằng hơi thở của anh dường như có vị chua.

Cuối cùng anh được nội soi dạ dày và phát hiện ra mình bị ung thư dạ dày.

4. Cơ thể có mùi trái cây

Mùi trái cây trên cơ thể có thể do bệnh tiểu đường loại 1 hoặc nhiễm toan ceton liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2 gây ra.

Những người mắc bệnh tiểu đường không thể tạo đủ insulin, hoặc bị kháng insulin (là tình trạng tế bào tổ chức của cơ thể cần một lượng insulin cao hơn bình thường), gây khó khăn cho việc sử dụng glucose để tạo năng lượng. Lúc này, cơ thể đốt cháy chất béo để lấy năng lượng, từ đó tạo ra ceton trong máu.

Mức ceton cao có thể khiến máu của bạn có tính axit và mùi cơ thể có mùi trái cây.

Tuy nhiên, cũng có thể có những lý do không liên quan đến bệnh tiểu đường, chẳng hạn như chế độ ăn ketogenic, nhịn ăn và uống nhiều rượu.

5. Cơ thể có mùi bia lên men

Mùi này có liên quan đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể.

Một số người bị gút, do axit uric cao, có thể làm cho mồ hôi và nước tiểu có mùi như bia lên men, hoặc thậm chí chua hơn một chút.

6. Mùi của nước ép nho

Ở một số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa phổi nặng sẽ có mùi giống như nước ép nho.

Một số vi khuẩn có mùi độc đáo của riêng chúng, Pseudomonas aeruginosa tạo ra vị ngọt giống nho. Loại vi khuẩn này khi vào trong cơ thường ảnh hưởng đến phổi và đường tiết niệu, hoặc gây bỏng và nhiễm trùng vết thương.

7. Mùi hôi nách

cơ thể có mùi
(Ảnh Shutterstock)

Mùi hôi nách rất nặng, có thể là do nhiễm trùng tuyến mồ hôi apocrine. 

Các tuyến mồ hôi phân bố hầu hết trên da, chức năng chính của chúng là tiết mồ hôi và điều hòa thân nhiệt. Một loại tuyến mồ hôi được gọi là tuyến apocrine, chỉ phân bố ở nách, tầng sinh môn, v.v. Nếu tuyến mồ hôi apocrine ở nách phát triển và không được dọn sạch mồ hôi kịp thời, vi khuẩn sẽ sinh sôi, gây ra mùi hôi.

Khi các tuyến apocrine bị tắc nghẽn và viêm mãn tính do nhiễm trùng lặp đi lặp lại gây ra bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ (Hidradenitis Suppurativa), thì cần phải cảnh giác. Bệnh này có thể gây áp xe vùng nách, và gây ra mùi hôi.

Cũng có thể có một căn bệnh đằng sau mùi nước hoa nồng nặc.

Đôi khi các bác sĩ cũng bắt gặp những bệnh nhân có mùi nước hoa nồng nặc. Những người này thường có mùi cơ thể tương đối nặng, vì vậy họ sử dụng nhiều nước hoa trong các tình huống xã hội, điều này cũng gây ra mùi có cảm giác khó chịu. Vì vậy, họ có thể không nhận thức được sự thay đổi mùi cơ thể của bản thân, vì vậy khi gặp trường hợp này hãy khuyến cáo họ nên chú ý xem mùi cơ thể của họ có bất thường sau khi tắm hay không.

Mùi cơ thể lạ có thể là vấn đề về thần kinh và não bộ

Nếu bệnh nhân đến gặp bác sĩ vì họ cảm thấy có mùi cơ thể bất thường, bác sĩ thường sẽ ngửi trực tiếp để xác định xem mùi đó có đúng như những gì bệnh nhân nói hay không và tìm nguyên nhân giải quyết.

Một số bệnh nhân cho rằng mình có mùi cơ thể lạ đã đến bệnh viện khám và phát hiện ra rằng đó là vấn đề của dây thần kinh khứu giác trong khoang mũi của mình. Điều này cần xem xét xem liệu não của họ có thể có bệnh.

Mùi cơ thể người đa phần là lành tính nên bạn cũng đừng quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu có mùi cơ thể bất thường, có mùi chua, hoặc mùi hôi lạ thì bạn cần nhớ chú ý đi khám xem có vấn đề gì nghiêm trọng hơn không nhé.