Dịch bệnh virus Trung cộng (COVID-19) sẽ không kết thúc cho đến khi phần lớn dân số toàn cầu có khả năng miễn dịch với virus corona – đó gần như là một điều chắc chắn – nhưng chủng virus trên sẽ lan rộng như thế nào và các ca nhiễm sẽ tăng giảm ra sao theo thời gian?

Làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID-19
(Ảnh: Shutterstock)

Trong một báo cáo được công bố hôm 30/4, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách (CIDRAP) đã đưa ra 3 viễn cảnh dự đoán về đại dịch virus corona trong 18 đến 24 tháng tới.

Các dự đoán áp dụng cho những nước ôn đới ở khu vực Bắc bán cầu, bao gồm có Mỹ, mặc dù các tác giả nghiên cứu cho biết “các mô hình tương tự có thể xảy ra ở phía Nam bán cầu.”

Kịch bản tồi tệ nhất là sẽ có một đợt dịch bệnh thứ hai với quy mô lớn hơn vào mùa thu và mùa đông năm 2020. Theo các nhà nghiên cứu, đây có thể là điều dễ xảy ra nhất và cho biết các quốc gia nên chuẩn bị để ứng phó với tình trạng này.

“Dịch bệnh sẽ không dừng lại cho đến khi nó lây nhiễm 60% đến 70% dân số,” Michael Osterholm, một trong những tác giả của báo cáo trên và đồng thời là giám đốc của CIDRAP, cho biết trên tờ CNN.

Dưới đây là 3 kịch bản cho thấy tình trạng dịch bệnh COVID-19 trong tương lai

Kịch bản 1: Nhiều đợt dịch bệnh lặp lại với quy mô nhỏ hơn

Trong kịch bản này, sau đợt dịch COVID-19 đầu tiên hiện đang xảy ra, sẽ là một loạt các đợt khác với quy mô nhỏ hơn trong suốt mùa hè và thời gian sau đó.

Những đợt này sẽ làm cho ít người mắc bệnh hơn so với Mỹ và các quốc gia khác ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chúng sẽ duy trì trong vòng 18 đến 24 tháng tiếp theo trước khi giảm dần.

Các tác giả lưu ý rằng, những đợt dịch bệnh tiếp theo mạnh hay yếu sẽ phụ thuộc vào những biện pháp cách ly xã hội khác nhau mà từng khu vực đưa ra.

Kịch bản 2: đợt dịch thứ hai với quy mô lớn hơn, xảy ra vào mùa thu năm 2020

Điều tồi tệ nhất, và cũng dễ xảy ra nhất trong 3 kịch bản, đó là sau đợt dịch lần này sẽ có một đợt khác với quy mô lớn hơn diễn ra vào mùa thu hoặc đầu đông năm 2020. Sau đó có thể xảy ra một hoặc nhiều đợt dịch với quy mô nhỏ hơn vào năm 2021.

>> Cậu bé chiêm tinh Ấn Độ dự đoán chính xác về đại dịch từ tháng 8/2019

Điều này phản ánh những gì đã xảy ra trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cúm H1N1 năm 2009.

Một đợt dịch bệnh thứ hai với đỉnh dịch cao hơn sẽ buộc các nước như Mỹ (và các quốc gia khác ở khu vực Bắc bán cầu) phải áp dụng lại các biện pháp giảm thiểu thiệt hại như phong tỏa.

“Các tiểu bang, vùng lãnh thổ và chuyên gia y tế nên lập kế hoạch trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra,” các tác giả cho biết.

Kịch bản 3: Dịch bệnh tiếp tục truyền nhiễm “âm ỉ”

Theo kịch bản này, trong những tháng tới, đại dịch COVID-19 sẽ chuyển sang trạng thái “âm ỉ” chứ không bùng phát mạnh lên nữa.

“Mặc dù mô hình thứ ba này không có trong các đại dịch cúm trước đây, nhưng nó vẫn có khả năng xảy ra với COVID-19,” các chuyên gia báo cáo.

Điều này có nghĩa là các quốc gia có thể sẽ không cần phải thực hiện việc phong tỏa, tuy vẫn còn nhiều ca nhiễm bệnh và tử vong.

Kết luận của Osterholm và các đồng nghiệp của ông dựa trên việc kiểm tra các mô hình dự đoán tác động của virus corona trong tương lai, cũng như nghiên cứu về cách lây lan COVID-19 và dữ liệu từ các đại dịch trong quá khứ.

Dịch virus corona có những điểm tương đồng quan trọng với đại dịch cúm như cúm Tây Ban Nha năm 1918 (đã làm lây nhiễm 500 triệu người trên toàn thế giới). Cả hai loại virus đều lây lan qua các giọt bắn khi người ta ho hoặc hắt hơi và có thể lây truyền ngay cả khi người nhiễm bệnh không có triệu chứng. Điều đó làm cho loại cúm này trở thành một mô hình vững chắc để so sánh, nhưng các chuyên gia vẫn không hiểu rõ về virus corona.

Đó là bởi vì chủng virus mới này lây lan dễ dàng hơn cúm. Trung bình một người nhiễm virus corona có thể lây nhiễm từ 2 đến 2,5 người mới, trong khi con số này đối với dịch cúm theo mùa là khoảng 1,3.

Theo các tác giả của báo cáo, chúng ta không thể biết chắc tương lai sẽ ra sao và cách thức chấm dứt dịch bệnh COVID-19 này là gì.

Tất nhiên, 3 kịch bản nêu trong báo cáo sẽ thay đổi nếu có một loại vắc-xin được phát triển nhanh hơn dự kiến. Nhưng các tác giả lưu ý rằng thời điểm sớm nhất mà loại vắc-xin này có thể ra đời là năm 2021.

Theo Business Insider,
Phan Anh