Bạn đã bao giờ thức giấc nửa đêm và nhận thấy cánh tay của mình đang ở tình trạng tê liệt? Đôi khi bạn sẽ thấy tay bị châm chích như có hàng chục mũi kim đâm vào. Theo thuật ngữ y học, hiện tượng này được gọi là dị cảm. Nhưng tại sao nó lại xảy ra?

tê tay
(Ảnh: Seksan.TH/Shutterstock)

Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Hoa Kỳ (The National Institute of Neurological Disorders and Stroke) cho biết chứng dị cảm có thể xảy ra ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Dị cảm đột ngột xuất hiện mà không có cảnh báo, thường xảy ra khi dây thần kinh bị tạo áp lực liên tục. Nhìn chung, dị cảm chỉ xuất hiện thoáng qua, không gây hại. Nhưng nếu xảy ra thường xuyên, nó cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý trong cơ thể.

1. Dị cảm có thể xảy ra do các nguyên nhân sau

– Tư thế ngủ: Nằm sấp đè lên tay; nằm ngửa, hai tay để dưới đầu; nằm nghiêng, vặn cánh tay là những tư thế ngủ gây ra áp lực kéo dài lên dây thần kinh của chúng ta. Ngủ như vậy khiến lưu lượng máu bị gián đoạn, hệ thống thần kinh phản ứng lại tạo ra cảm giác ngứa ran.

6 điều nhất định phải tránh khi ngủ, thói quen ngủ
Bạn có bị tê tay khi ngủ? (Ảnh: Shutterstock)

– Dây thần kinh bị chèn ép: Dây thần kinh ulnar chạy từ vai đến khuỷu tay chịu trách nhiệm mang đến cảm giác cho bàn tay của chúng ta. Đau cổ tay, cầm nắm yếu và tê tay là các triệu chứng của việc dây thần kinh bị chèn ép. Cơn đau thường tự biến mất, nhưng nếu hiện tượng đó kéo dài hơn 2 ngày thì bạn cần đi khám.

– Thiếu vitamin B12: Vitamin B12 có tác dụng giữ cho các dây thần kinh và tế bào máu của chúng ta khỏe mạnh. Loại vitamin này có trong thịt, cá, gia cầm, các sản phẩm từ sữa. Sự thiếu hụt vitamin B12 trong cơ thể có thể gây ra các vấn đề về thần kinh, mà biểu hiện rõ ràng nhất là giảm cảm giác hoặc cảm giác ngứa ran.

– Căng thẳng và lo lắng: Khi chúng ta mang cảm xúc tiêu cực, cơ thể sẽ giải phóng các hormone gây căng thẳng. Phản ứng sinh lý này liên quan đến việc chuyển hướng lưu lượng máu đến các bộ phận cơ thể cần được bảo vệ (khỏi sự căng thẳng, lo lắng). Chính vì thế những khu vực bị giảm lưu lượng máu sẽ có cảm giác như bị kim châm. Căng thẳng cũng có thể gây ra căng cơ làm bạn bị đau nhói.

stress, căng thẳng, công việc, mệt mỏi
(Ảnh: Shutterstock)

– Dấu hiệu của bệnh: Dị cảm mãn tính có thể là triệu chứng của một vấn đề y tế đang gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh của cơ thể. Nếu cảm giác tê đi kèm với yếu cơ hoặc các triệu chứng khác, tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ.

2. Cách phòng tránh hoặc giảm thiểu dị cảm

– Lắc tay: Khi không bị cả cơ thể đè lên nữa, cánh tay sẽ trở lại bình thường. Nhưng nếu bạn lắc tay thì lưu lượng máu sẽ tăng lên. Bạn cũng có thể duỗi thẳng cánh tay lên trên, lắc đầu sang 2 bên, di chuyển vai lên xuống để giải phóng sức ép ở và thả lỏng các dây thần kinh.

– Cải thiện tư thế ngủ: Bạn không nên để tay dưới đầu hoặc đè cả cơ thể lên. Bạn nên đặt hai tay xuôi theo người thay vì giơ tay lên đầu. Tránh nằm ở tư thế thai nhi, vì cánh tay và khuỷu tay cong có thể gây áp lực lên dây thần kinh.

– Sử dụng nẹp cổ tay trong khi ngủ: Nẹp giúp cho cổ tay được giữ thẳng, không bị gập xuống trong lúc ngủ. Bạn cũng có thể quấn một chiếc khăn quanh khuỷu tay rồi cố định nó lại.

– Thói quen sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và lưu thông máu. Thói quen ăn uống tốt cũng giúp chúng ta không bị thiếu hụt vitamin và giảm thiểu đau dây thần kinh.

tap the duc 1
(Ảnh: Shutterstock)

– Tìm cách điều trị các vấn đề y tế: Đối với các triệu chứng nghiêm trọng hoặc mãn tính, bạn cần đến gặp bác sĩ để có cách điều trị thích hợp.

– Đề phòng với mọi dấu hiệu: Đột ngột bị tê tay cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Nếu bạn bị dị cảm kèm theo chóng mặt, tê liệt, nói khó, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội thì cần tìm sự trợ giúp ngay lập tức. 

Minh Minh (Theo Bright Side)

Xem thêm: