Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo toàn bầu cảnh báo các chiến dịch tiếp thị sữa công thức (hay còn gọi là sữa bột) ở Việt Nam gây hiểu lầm về tác động thúc đẩy chiều cao, cân nặng, trí tuệ của trẻ, làm suy yếu những nỗ lực thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ.

nuoi con bang sua me
Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích sức khỏe suốt đời cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa: All_about_people/Shutterstock)

Chiêu thức quảng cáo sữa công thức ‘làm suy yếu việc cho con bú một cách tinh vi’

Công bố về kết quả nghiên cứu đa quốc gia về “Tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng đến quyết định nuôi dưỡng trẻ” tại sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ ngày 7/8, TS Juliawati Untoro – Trưởng nhóm Dinh dưỡng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Khu vực Tây Thái Bình Dương, cho hay các nhà sản xuất, bán hàng đã sử dụng thông điệp tiếp thị “bóng bẩy và dễ gây hiểu lầm”.

“Họ sử dụng hình ảnh, tuyên bố sai lệch về khoa học, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ như dưỡng chất HMO và DHA”, bà Untoro cho biết.

Nghiên cứu trên được thực hiện từ tháng 8/2019 đến tháng 4/2021, tại 8 quốc gia đại diện cho các châu lục và vùng lãnh thổ, gồm: Bangladesh, Trung Quốc, Mexico, Morocco, Nam Phi, Anh, Nigeria và Việt Nam.

Việc điều tra được tiến hành ở phụ nữ mang thai, các bà mẹ và các những người có ảnh hưởng (influencers) bao gồm các chuyên gia y tế, đối tác, thành viên gia đình và bạn bè.

Theo báo cáo, phụ nữ nói chung tích cực về việc cho con bú, tuy nhiên sự hiểu biết và niềm tin vào việc nuôi con bằng sữa mẹ của họ bị xói mòn bởi một loạt các thông điệp tiếp thị.

“Dinh dưỡng thường là trọng tâm của quảng cáo tại Việt Nam, định vị sữa công thức là tương đương với sữa mẹ, hoặc có thêm lợi ích so với sữa mẹ. Với trẻ từ 6 tháng tuổi đến trên 3 tuổi, sữa công thức là được định vị là chìa khóa cho “chiều cao”, “cân nặng” và “nhận thức” , những đặc điểm mà phụ nữ ở Việt Nam được báo cáo là mong muốn và có ảnh hưởng đến việc mua sự lựa chọn” – trích báo cáo. 

“Một số sản phẩm chào bán được định vị gần hoặc tương đương với sữa mẹ và làm suy yếu việc cho con bú một cách tinh vi”, báo cáo nhận định.

Các công ty sữa công thức định vị sản phẩm của họ bên cạnh sữa mẹ với những tuyên bố như “gần nhất với sữa mẹ” và “lấy cảm hứng từ sữa mẹ”. Ở Trung Quốc và Việt Nam, hơn một phần ba phụ nữ được điều tra, lần lượt 33% và 40%, đồng ý rằng sữa công thức rất giống sữa mẹ. Các thành phần như HMO, DHA và MFGM “gần giống” hoặc “tương đương” với sữa mẹ mang đến sự thoải mái cho phụ nữ.

Theo WHO, việc tiếp thị đã ảnh hưởng đến quan điểm của phụ nữ về lợi ích dinh dưỡng của sữa công thức. Ở Trung Quốc, Nigeria, Anh và Việt Nam, phụ nữ nói cần bổ sung sữa công thức ngay cả khi họ đã cho con bú. Một số người cho rằng sữa công thức có thể bổ sung dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh mà họ tin rằng việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể không thể cung cấp.

“Sau 6 tháng, dinh dưỡng trong sữa mẹ không đủ. Mặc dù nó có khả năng miễn dịch, nhưng nó nguồn dinh dưỡng không tốt bằng sữa công thức.” – báo cáo dẫn lời một người mẹ nuôi con bằng sữa công thức tại TP.HCM cho hay.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thông tin tiếp thị ảnh hưởng lớn đến thái độ của bà mẹ khi 82% biết về sữa công thức giai đoạn 2 (trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi) và 96% trong đó cho rằng sữa công thức là cần thiết. Điều này làm suy giảm tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

“Cách tiếp thị của sữa công thức ảnh hưởng tiêu cực đến thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Việc tiếp tục tích cực quảng cáo sữa công thức trở thành một rào cản toàn cầu đáng kể đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ” – WHO tuyên bố.

“Cộng đồng y khoa quốc tế và các chuyên gia về sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em đa số đều đồng tình về tính ưu trội của sữa mẹ và nuôi con bằng sữa mẹ hơn nuôi con bằng sữa công thức. Không nuôi con bằng sữa mẹ dẫn đến nguy cơ đứa trẻ phát triển trí tuệ chậm hơn và ước tính cũng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 302 tỷ USD hàng năm, tương đương 0,49% tổng thu nhập quốc dân (GNI) toàn cầu”.

‘Nuôi con bằng sữa mẹ giúp ngăn ngừa bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ và mẹ’

Ngày 1/8, nhân Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ từ ngày 1/7 tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đưa ra cảnh báo chiến lược tiếp thị sữa công thức, cả trên thế giới và ở Việt Nam, về việc cải thiện chiều cao và cân nặng là không có đủ căn cứ khoa học.

WHO và UNICEF khuyến cáo những tuyên bố gây hiểu lầm khi tiếp thị sữa công thức đang làm suy yếu những nỗ lực trong việc thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, một thực hành mang lại lợi ích sức khỏe suốt đời cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

“Những tuyên bố tiếp thị gây hiểu lầm làm trầm trọng thêm những thách thức mà các bậc cha mẹ phải đối mặt, bằng cách làm tăng sự lo lắng về việc cho con bú và chăm sóc trẻ sơ sinh,” – trích báo cáo về sự kiện trên trên trang web của WHO.

Nhắc lại báo cáo toàn cầu vừa công bố, WHO cho hay nghiên cứu đa quốc gia này đã tiết lộ các chiến lược tiếp thị sai lệch về sữa công thức ở Việt Nam, trong đó “thường có các tuyên bố không có cơ sở khoa học như sữa công thức có thể giúp trẻ phát triển chiều cao, cân nặng hoặc trí não.”

TS Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “Việc tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác là nhằm lợi dụng sự thiếu hỗ trợ cho việc nuôi con bằng sữa mẹ để giới thiệu sữa công thức như một giải pháp cho các bà mẹ đi làm. Giải pháp thực sự là chấm dứt vĩnh viễn các chiến thuật tiếp thị gây hiểu lầm và ảnh hưởng của ngành công nghiệp này. Bên cạnh đó, ở nơi làm việc, các nhân viên y tế và cộng đồng cần hỗ trợ phụ nữ – bao gồm cả những bà mẹ đang đi làm – những người mong muốn và có thể cho con bú.”

Bà Rana Flowers – Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam nói: “Nuôi con bằng sữa mẹ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng, hỗ trợ sự phát triển trí não khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ và mẹ – tất cả đều góp phần giảm chi phí y tế.”

Tiếp thị gây hiểu lầm của các hãng sữa công thức vi phạm Nghị định 100/2014 của Việt Nam về các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, bình bú và núm vú giả, và núm vú giả, dựa trên Bộ quy tắc quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ của WHO. Nghị định này nhằm hạn chế quảng cáo sữa công thức cho trẻ dưới 24 tháng và yêu cầu ghi nhãn, thông tin, giáo dục và quảng cáo phù hợp.

WHO và UNICEF phát kêu gọi tất cả các ngành ưu tiên và tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, bao gồm tạo môi trường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ đang đi làm, đảm bảo đủ thời gian nghỉ có lương cho tất cả các bậc cha mẹ đang đi làm và tăng cường đầu tư vào các chính sách và chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.

Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 quy định:

“Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.” – khoản 1 Điều 6

“Bao gói hoặc nhãn dán vú ngậm nhân tạo phải có chữ in thường: “Sử dụng vú ngậm nhân tạo ảnh hưởng không tốt tới việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ” – khoản 2 Điều 10

Thầy thuốc, nhân viên y tế trong các cơ sở y tếđược yêu cầu “giúp các bà mẹ cho con bú trong vòng một giờ đầu sau khi sinh”, “tư vấn cho bà mẹ và thành viên trong gia đình cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu”; “hướng dẫn bà mẹ và thành viên trong gia đình không cho trẻ bú bình hoặc dùng vú ngậm nhân tạo” – trích khoản 1 Điều 13

Nguyễn Quân